Bà nội “tăng xông” với cháu gái tuổi teen

Gia Linh
18/07/2021 - 09:32
Bà nội “tăng xông” với cháu gái tuổi teen

Ảnh minh họa

Khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái đã nảy sinh rất nhiều bất đồng nên thường xuyên có những mâu thuẫn. Khoảng cách giữa ông bà và các cháu còn xa hơn nữa nên trước sự nổi loạn của các cháu tuổi dậy thì, ông bà dường như không thể chấp nhận được.

Từ khi con bước vào tuổi teen, chị Hoàng Minh Yến (phố Đội Cấn, Hà Nội) và bà nội của các con mâu thuẫn nhiều hơn. Là người mẹ, chị hiểu con có sự nổi loạn, bướng bỉnh khi bước vào lứa tuổi này. Thế nên, chị phải chấp nhận tâm lý đó của con dù không ít lần cũng muốn "phát điên" với con. Thế nhưng, bà nội của con lại không thể chấp nhận đứa cháu "quá nhiều tính xấu" như thế.

Chị Yến không phủ nhận con gái có nhiều nhược điểm: Con bướng bỉnh, lì lợm, con chưa sạch sẽ, chưa gọn gàng, hay cãi người lớn. Con hay trêu chọc, bắt nạt em, học hành chỉ ở mức làng nhàng. Thế nhưng, con lại là đứa trẻ rất vui vẻ, không hay giận dỗi. Đặc biệt, con luôn biết giúp đỡ bà và bố mẹ nấu cơm, đi chợ, dọn dẹp nhà cửa, trông em, rửa bát.

Là người mẹ, chị Yến hiểu tính cách của con và nhìn vào điểm xấu để uốn nắn dần con. Tuy nhiên, khi con làm được việc tốt, chị thường xuyên khen ngợi, động viên con. Chị mong muốn con tự tin trước những điểm mạnh của mình.

Thế nhưng, bà nội của con chị lại không đồng ý với cách dạy con của chị. Bà cho rằng, chị quá chiều con, quá dung túng, bao che cho con. Theo bà, với cách dạy con nhu nhược như vậy, cô cháu gái sẽ... "không có thuốc chữa". Với bà, dạy dỗ là phải nghiêm khắc. Con phạm lỗi là phải đánh, phải chửi, phải nạt. Có như vậy con mới sợ và không tái phạm.

Cô cháu gái tuổi teen ương bướng, khó bảo, lì lợm nên bà nội không ưa, luôn có ác cảm. Bà thường xuyên khó chịu với tất cả hành động, lời nói của cháu gái. Cùng một sự việc nhưng với cháu trai thì bà luôn nhẹ nhàng, còn với cháu gái thì bà tỏ thái độ khó chịu. Bà hay dùng những từ ngữ chê bai, mỉa mai cháu và cho rằng cháu hư hỏng, hỗn láo. Khi cháu có chút thành tích gì, thay vì khen ngợi, động viên, bà lạnh lùng mỉa mai cháu. Chị Yến cho biết, nhìn con gái chưng hửng chờ lời khen của bà, chị rất thương con.

Khi cháu gái làm sai việc gì, bà chì chiết không ngớt. Cô cháu gái rất khó chịu, lì mặt ra. Hai bà cháu lời qua tiếng lại, chẳng ai chịu thua ai.

Không ít lần, cháu gái mải nghịch điện thoại nên chậm rửa bát nên bị bà quát tháo ầm nhà. Cô cháu gái rất ấm ức khi "bà làm phức tạp mọi chuyện như vậy". Chưa kể, mâu thuẫn giữa bà nội và cháu gái càng căng thẳng khi bố "đổ thêm dầu vào lửa", lại "lên lớp, giáo điều" với con.

Chị Yến cảm thấy rất khó xử khi không biết làm thế nào để bà hiểu được sự nổi loạn, bướng bỉnh của cháu gái là do cháu đang ở tuổi khủng hoảng. Chị cũng không thể vì "được lòng mẹ chồng" mà "đối đầu" với con gái. Bởi như vậy, con sẽ cảm thấy vô cùng đơn độc, chênh vênh vì không ai hiểu mình.

Tất nhiên, dù như thế nào chị cũng khuyên con không được thái độ ương ngạnh, khó chịu với bà. Chị cũng phân tích cho con, bà là người già, bà không sai mà chỉ là suy nghĩ của bà khác với con. Vì đó là khoảng cách của hai thế hệ. Bà mắng con cũng chỉ vì lo và muốn tốt cho con.

Để rút ngắn khoảng cách thế hệ, với chị Yến, "công cuộc" này thực sự khó khăn. Ở thế hệ "trung gian", chị sẽ trở thành chiếc cầu nối để bà dễ thông cảm hơn với những khác biệt của đứa trẻ tuổi teen, để con hiểu được sự lo lắng của người già. Chị cố gắng để khoảng cách thế hệ được rút ngắn bằng tình yêu thương, sự tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm