Bác đưa cháu đi thi: “Hy vọng cháu đạt được mơ ước!”

Bài, ảnh: Anh Nhi
08/07/2022 - 19:50
Tại điểm thi THPT Xuân Đỉnh (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), trong buổi thi môn cuối có người bác lặng lẽ đợi cháu trai. Người bác này đã thay cha mẹ để yêu thương, bao bọc đứa cháu thiếu thốn tình cảm gia đình.

Cháu giống như con đẻ của tôi

Gặp chị Nguyễn Thị Thắng ở điểm thi THPT Xuân Đỉnh, ai cũng nghĩ chị là mẹ đưa con đi thi. Nhưng không phải, chị tâm sự, chị đưa cháu (tên Việt) đi thi. Việt là học sinh trường THPT Thượng Cát, một cậu bé không được may mắn như bạn bè trang lứa. Em đi thi tốt nghiệp THPT 2022 nhưng không có bố mẹ đưa đón.

Việt ngồi sau xe của bác, nhận cái ôm và lời chúc từ bác: "Bình tĩnh, tự tin nhé, dù có thi tốt hay không bác và cả nhà luôn ủng hộ cháu".

Chị Thắng chia sẻ: "Mẹ của Việt không ở với con, bố thì bê tha không quan tâm đến gia đình. Chị và chồng thay nhau đưa cháu đi trong hai ngày vừa rồi! Phải đưa cháu đi thi tôi mới yên tâm, đi trên đường nhỡ có làm sao người lớn còn xử lý!".

Những ngày đi thi của Việt, chị Thắng lo lắng đến mất ngủ. Thậm chí, buổi trưa về, chị không dám ngủ, vì sợ ngủ quên. Đến điểm thi, chị cứ bồn chồn ngồi đợi, mong cháu làm bài thật tốt.

Chị Thắng cho biết, cháu trai đang ở cùng với bố nhưng cháu thường xuyên qua nhà chị ở. Trong căn nhà ba tầng do ông bà xây chỉ có hai bố con Việt. Có lẽ, do cô đơn, Việt thường đến ở nhà bác để cảm nhận hơi ấm gia đình, dù ngôi nhà của chị Thắng chỉ có một tầng, lại có đến 4 người, nhưng cậu bé thường lui đến ăn và ngủ lại.

Lâu dần, vợ chồng chị Thắng và các con đều coi Việt như người một nhà. Không chỉ lần thi tốt nghiệp này, mà ngay cả khi thi vào lớp 10, chị và chồng cũng bỏ công việc để đưa cháu trai đi thi. Dù Việt đã nói với anh chị: "Cháu lớn rồi, cháu có thể tự đi được". Nhưng vợ chồng chị Thắng luôn lo lắng những rủi ro mà cháu có thể gặp trên đường, nên không đồng ý cho cháu tự đi.

Bác đưa cháu đi thi: “Hy vọng cháu đạt được mơ ước!” - Ảnh 1.

Chị Thắng chờ cháu trong lúc thi

Hy vọng cháu có cuộc sống thật tốt

Khi nói về Việt, mắt chị Thắng ánh lên niềm tự hào, không khác việc chị kể về con trai của mình: "Cháu là niềm tự hào của chúng tôi! Việt là một cậu bé tự lập, tự tin và tháo vát. Từ nhỏ đến lớn, gia đình không có điều kiện, cháu lại thiếu tình yêu thương của cha mẹ. Cho nên thằng bé có thể tự làm mọi thứ".

Chị kể rằng, từ việc học, chuẩn bị đồ dùng cá nhân, định hướng trường thi, khối thi Việt đều tự mình Việt làm, không cần ai nhắc nhở: "Cháu hỏi thầy cô, tìm hiểu thêm trên mạng. Tôi nói thật, tôi và chồng đều làm nông, nên không biết gì để giúp cháu!".

Chị Thắng tâm sự, chị gửi gắm hy vọng về con trai vào Việt: "Tôi cũng có con trai, nhưng cháu không chịu học. Cháu đã bỏ học từ năm cấp III, giờ "nhảy việc" suốt nên gia đình cũng lo". Chị nhìn về phía trường thi, nói nhỏ: "Nếu chịu khó học hành, thì năm nay, nó cũng thi cùng đợt với Việt!".

Chị Thắng ngồi chờ cháu trai thi từ 13h, dù mỏi người, mắt luôn hướng về phía cổng trường bởi: "Tôi lo cho cháu lắm, hy vọng cháu không quên thứ gì, nhà xa, không biết về kịp lấy đưa đến không?".

Chị tự hào kể rằng Việt là một đứa trẻ học giỏi, tự học hết mọi thứ, tuy không có người lớn quản lý, nhưng cậu bé rất ngoan: "Tối nào thấy cháu ngồi ôn bài tôi cũng động viên. Hy vọng cháu đạt được ước mơ của mình, vào một trường đại học, sống cuộc sống thật tốt!".

Chị Thắng vui vẻ nói, hôm nay là ngày cuối, sau kỳ thi sẽ cho cháu "xả hơi" thư giãn đầu óc: "Trước khi thi tôi cũng làm mâm cơm cúng tổ tiên, hy vọng cháu làm bài tốt. Khi nào có điểm, cả gia đình sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ để ăn mừng".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm