pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bàn giải pháp nâng cao công tác tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, hội viên danh dự Hội LHPN Việt Nam
Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh (bìa trái) trao đổi bên lề với các đại biểu tại Hội thảo "Công tác tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên, hội viên danh dự nhiệm kỳ 2022 - 2027"
Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội và 51 điểm cầu trực tuyến với sự tham gia của cán bộ Hội 4 cấp (từ Trung ương đến cơ sở).
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh khẳng định: "Hội thảo này có ý nghĩa hết sức cần thiết và quan trọng. Chúng ta cũng cần nghiêm túc nhìn lại kết quả, hạn chế, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong công tác tập hợp phụ nữ, phát triện hội viên hiện nay trong hệ thống Hội".
Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh nhận định, để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, cần phải quan tâm đến 3 trụ cột: xây dựng hệ thống tổ chức Hội vững mạnh từ Trung ương tới địa phương đến cơ sở và chi hội; đội ngũ cán bộ Hội hoạt động chuyên nghiệp, có năng lực và phát triển toàn diện hơn trong thời gian tới; phát triển lực lượng nòng cốt để tập hợp hội viên.
Tiếp đó, Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh gợi ý một số nội dung cần thảo luận tại Hội thảo như: Vấn đề đội ngũ cán bộ Hội hoạt động chuyên nghiệp, toàn diện trong thời gian tới; việc quản lý hội viên, nhất là hội viên di cư đi làm ăn xa thế nào; Về hội viên danh dự, chúng ta cần thảo luận để mở rộng đối tượng và không phân cấp. Vấn đề phát triển hội viên danh dự là người nước ngoài cần phải được nghiên cứu kỹ lượng và triển khai sớm…
Tại hội nghị, bà Bùi Thị Hồng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết, đến tháng 12/2021, đã có 1.034/1.037 cơ sở Hội đạt tỷ lệ tập hợp trên 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội, đạt 99,52%. Điển hình có 2/29 tỉnh (Bắc Giang, Cà Mau) không còn cơ sở có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội.
Còn 5 cơ sở thuộc tỉnh Đắc Nông chưa đạt chỉ tiêu do có quá nhiều phụ nữ đi làm ăn xa, đội ngũ chi hội trưởng, phó tại cơ sở Hội năng lực còn hạn chế.
Trưởng Ban Tổ chức, TƯ Hội LHPN Việt Nam, đã đưa ra một số hạn chế như: Công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ có nơi, có lúc chưa kịp thời do cán bộ Hôi cơ sở còn thiếu kỹ năng; Mức phụ cấp cho các chi hội trưởng còn thấp; Tỷ lệ phát triển hội viên ở một số khu vực còn thấp nhưng Hội chưa có các giải pháp kịp thời, hiệu quả, chưa phát huy được thế mạnh của lực lượng phụ nữ thuộc nhóm "dẫn dắt" như: nữ quản lý, lãnh đạo, nữ doanh nhân, nữ trí thức; Chưa xây dựng được các mô hình hiệu quả để mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng phụ nữ.
Tính đến 24/4/2023, cả nước có 2.181 cơ sở Hội có tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội, chiếm 20,58% tổng số Hội LHPN xã/phường/thị trấn, tập trung ở 44 tỉnh/thành rải rác ở tất cả các cụm thi đua trên toàn quốc, trong đó tập trung nhiều ở cụm Đồng bằng sông Cửu Long, Trung bộ, các thành phố lớn và các tỉnh biên giới phía Bắc.
Hội viên danh dự là nội dung mới được quy định và thực hiện trong nhiệm kỳ này. Năm 2022, đã có 10/63 tỉnh, thành phố phát triển hội viên danh dự với tổng số 1.470 hội viên, nhiều nhất là các tỉnh: Đắk Lắk, Hòa Bình, Phú Thọ. Tuy nhiên, một số cơ sở còn hiểu chưa thật đúng về các điều kiện để giới thiệu và công nhân hội viên danh dự.
Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra 1 trong 7 chỉ tiêu cần tập trung thực hiện: "Đến cuối nhiệm kỳ, toàn quốc tăng thêm 1 triệu hội viên; đảm bảo không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội".
Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII cũng đề ra 8 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu số 5 "Đến cuối nhiệm kỳ, tăng thêm 800.000 hội viên, phấn đấu 100% cơ sở Hội tập hợp được trên 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn".