pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bản người Cơ Tu đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng để xóa đói giảm nghèo

Chị Trương Thị Phương Thủy (bên trái), chủ homestay Tre Vàng (thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Phú Lộc, TP Huế) chụp ảnh trải nghiệm cùng khách du lịch.

Thôn Dỗi (xã Thượng Lộ, huyện Phú Lộc, TP Huế) có khoảng 180 hộ dân, hầu hết là đồng bào Cơ Tu.

Sức hút của thôn Dỗi là những món ăn truyền thống độc đáo được cộng đồng bà con Cơ Tu chế biến, làng nghề truyền thống đan lát, dệt dèng của đồng bào vùng cao, những điệu hát múa của người Cơ Tu, tập quán sinh hoạt, sản xuất… Cách đó không xa, thác Kazan hùng vĩ, dòng nước mát trong là điểm trải nghiệm sinh thái hấp dẫn.

Với những thế mạnh sẵn có, năm 2004, thôn Dỗi bắt đầu làm du lịch sinh thái cộng đồng với sự hướng dẫn bảo trợ của Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 2008, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN- Hà Lan) và chương trình Hỗ trợ sinh thái (EPG) đã triển khai giúp đỡ, hỗ trợ thôn Dỗi làm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng…

Tuy nhiên, từ cuối những năm 2010, loại hình du lịch cộng đồng nơi đây mới được nhiều du khách biết đến và phát triển. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, thôn Dỗi được tỉnh, huyện đầu tư kinh phí để đồng bộ cơ sở hạ tầng và các điểm phục vụ du khách.

Trong đó, nguồn hỗ trợ từ chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh và các nguồn xã hội hóa đã triển khai các hạng mục: Bảng chỉ dẫn, thuyết minh điểm đến; cơ sở lưu trú trong dân (homestay); xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch…

Những năm qua, du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển tương đối tốt. Lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch tăng lên đáng kể, thu hút trung bình 15.000 lượt người/năm, khách lưu trú hơn 5.000 lượt người. Bình quân doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng/năm.

Chị A Lăng Thị Bé (người ngồi), Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thôn Dỗi kể rằng, từ nhỏ chị có cơ duyên được bà con địa phương chọn làm “hướng dẫn viên” khi có các đoàn khách. Được giới thiệu về vùng đất, văn hóa, con người của quê hương và dân tộc Cơ Tu cho khách du lịch, chị cảm thấy tự hào và ngày càng yêu thích công việc này hơn. Dần dần, chị tự tin hơn cùng với chị em trong thôn tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa du lịch của địa phương.

Khi thôn Dỗi mới khai thác du lịch, A Lăng Thị Bé tìm đến các già làng để học thêm những điệu hát múa truyền thống sau đó tập luyện cho đội văn nghệ cộng đồng trong thôn. Những điệu múa hát zum cây, tung tung da dá... được những nam thanh nữ tú của thôn Dỗi biểu diễn nhuần nhuyễn, được cộng đồng và du khách đánh giá cao.

Chị Trương Thị Phương Thủy (50 tuổi), chủ homestay Tre Vàng, là người đầu tiên làm du lịch cộng đồng ở thôn Dỗi chia sẻ: “Nhận thấy thế mạnh du lịch ở địa phương, năm 2004, gia đình tôi mạnh dạn vay vốn đề đầu tư xây dựng homestay. Đến nay, cơ sở homestay của gia đình phục vụ khách du lịch lưu trú, ăn uống, trải nghiệm mặc trang phục truyền thống của người Cơ Tu. Thu nhập từ du lịch qua từng năm ngày càng gia tăng, cải thiện không nhỏ đời sống của gia đình”.

“Lần đầu tiên đến với bản làng của người Cơ Tu, tôi thật sự choáng ngợp trước không gian văn hóa độc đáo, cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ. Và có lẽ, tôi sẽ còn nhiều dịp đến đây nữa để trải nghiệm thêm”, chị Lương Thị Thanh Vân (Hà Nội), khách du lịch chia sẻ.

Đến nay, thôn Dỗi có khoảng 8 hộ kinh doanh dịch vụ homestay, ăn uống. Hầu hết đời sống của các hộ dân trong thôn đều được cải thiện trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ hoạt động du lịch, thông qua việc bán các mặt hàng đặc sản của địa phương, trình diễn văn nghệ phục vụ du khách,... Mức thu nhập của bà con được cải thiện, số hộ nghèo trên địa bàn thôn đến nay giảm xuống còn 2 hộ.
Nhằm bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Cơ Tu và đẩy mạnh phát triển du lịch ở thôn Dỗi, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ thực hiện bảo tồn “Làng truyền thống của dân tộc Cơ Tu” triển khai tại thôn Dỗi, xã Thượng Lộ và thôn 2, xã Thượng Long, huyện Phú Lộc. Nhà Gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu ở thôn Dỗi đã được tu sửa, bảo tồn, gìn giữ và góp phần mở rộng các điểm sinh hoạt văn hóa và tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

TP Huế cũng đã có kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Định hướng phát triển các điểm du lịch sinh thái gắn với suối, thác trên địa bàn tỉnh”. Trong đó thác Kazan ở thôn Dỗi là một trong những địa điểm được chú trọng đầu tư để phát triển du lịch. Hiện nay, đã triển khai đầu tư hạ tầng, gồm xây dựng tuyến đường đi bộ đến chân thác Kazan, xây bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng... Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình sẽ được bàn giao cho Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thôn Dỗi quản lý và khai thác.