pnvnonline@phunuvietnam.vn
Báo động đỏ tắc mạch ối cứu sản phụ và cách dự phòng hạn chế nguy cơ
Các chuyên gia của 2 BV hợp sức cứu sản phụ
Ngày 4/10, các bác sĩ BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ đã cấp cứu thành công sản phụ V.T.T.T. (35 tuổi, trú tại TP. Việt Trì, Phú Thọ) bị tắc mạch ối khi sinh.
Trước đó, khi mang thai 39 tuần 3 ngày, sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ nên gia đình đưa đến BV thăm khám. Sau đó, sản phụ được chỉ định nhập viện theo dõi chờ sinh. Gia đình cho biết, đây là lần mang thai thứ 3 của sản phụ và 2 lần trước sinh trước đều rất thuận lợi.
Tại BV, sau khi thăm khám xác định tình trạng sản phụ và thai nhi ổn định (tim thai 140l/phút), bác sĩ chỉ định bấm ối thăm dò. Tuy nhiên, ngay sau khi bấm ối, sản phụ xuất hiện tình trạng suy hô hấp, suy thai cấp, suy tuần hoàn mức độ nặng. Nếu không xử trí kịp thời và chính xác có thể gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Công, Phó Giám đốc BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, trước tình huống bất ngờ này, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn, nghĩ nhiều đến tình trạng tắc mạch ối trong quá trình chuyển dạ. Ngay lập tức, BV chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu cho sản phụ đồng thời báo động đỏ toàn viện.
Lãnh đạo BV cũng chỉ đạo các bác sĩ chuyên ngành Sản khoa, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực chống độc và Sơ sinh ngay lập tức phối hợp cùng xử trí bệnh nhân. Đặc biệt, ca phẫu thuật còn có sự tham gia hội chẩn và chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản TƯ.
Ca phẫu thuật được tiến hành gấp rút. Vài phút sau, bé gái sơ sinh chào đời với cân nặng 3,1kg nhưng có dấu hiệu bị ngạt nên được các bác sĩ Sơ sinh hồi sức tích cực ngay tại phòng mổ, đặt ống nội khí quản. Khoảng 1 tiếng sau, tình trạng sức khỏe của bé chuyển biến tích cực nên được rút ống nội khí quản.
Tuy nhiên, do sản phụ có tình trạng rối loạn đông máu nặng như chảy máu không đông từ buồng tử cung, vết mổ tử cung, vết mổ thành bụng, chảy máu lòng bàng quang nên các bác sĩ thực hiện cắt tử cung bán phần an toàn.
Sau phẫu thuật, sản phụ được chăm sóc hồi sức tại khoa Hồi sức tích cực chống độc. Hiện tại, sức khỏe sản phụ đã ổn định, tiếp tục được theo dõi tại BV.
Dự phòng giảm nguy cơ thuyên tắc ối bằng cách nào?
Theo các bác sĩ, thuyên tắc ối (tiếng Anh là Amniotic Fluid Embolism Syndrome) là một trong những tai biến sản khoa hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm.
Thuyên tắc ối là tình trạng nước ối, tế bào thai nhi, tóc, lông tơ hoặc các mảnh vụn khác xâm nhập vào máu của thai phụ, thông qua hệ thống tĩnh mạch nơi nhau thai bám gây ra một số phản ứng giống dị ứng. Phản ứng này làm suy tim phổi cấp và xuất huyết nghiêm trọng.
Bệnh thường xảy ra trong lúc chuyển dạ, cũng có thể xảy ra khi mổ lấy thai, sảy thai, chấn thương bụng, chọc nước ối, sau sinh hoặc sau mổ lấy thai.
Kết quả cuộc điều tra tử vong mẹ và trẻ sơ sinh Việt Nam được tiến hành ở tất cả phụ nữ từ 15-55 tuổi, tất cả các xã của 30 quận/huyện thuộc 10 tỉnh/thành, tỷ lệ miền núi/nông thôn đồng bằng/thành thị của Bộ Y tế cho thấy, 71,5% các trường hợp mẹ tử vong là do các tai biến sản khoa, trong đó tỷ lệ tử vong do tắc mạch ối lên đến 34,7%.
PGS.TS.BS Lưu Thị Hồng, BV Đa khoa Tâm Anh cho biết, tất cả các độ tuổi đều có thể mắc chứng mạch ối bị tắc nghẽn xảy ra trước, trong hoặc ngay sau khi sinh. Y khoa ghi nhận các trường hợp tắc mạch ối ở thai phụ có chung đặc điểm như thai nhi lớn, thai quá ngày, thai phụ lo lắng, hốt hoảng, khó thở và nôn mửa. Thêm vào đó, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: thai phụ tuổi cao, thai phụ mang đa thai hoặc sinh con nhiều lần; Nhau thai bất thường; Thai phụ mắc chứng tiền sản giật; mổ lấy thai,…
Thai phụ được chẩn đoán mắc chứng thuyên tắc mạch ối có triệu chứng khởi đầu là suy hô hấp, sau đó tím tái đột ngột trong vòng vài phút, kèm theo tình trạng tụt huyết áp, phù phổi, lú lẫn và co giật. Khi đó, các bác sĩ sẽ ấn tim, xoa bóp tim ngoài lồng ngực giúp tim đẩy máu nhanh hơn, cung cấp oxy nuôi các cơ quan quan trọng như não, tim, thận, phổi, gan,… Bên cạnh đó, thai phụ được bổ sung thuốc duy trì và nâng đỡ tình trạng tim mạch, truyền máu cùng nhiều biện pháp khác nhằm nhanh chóng đưa thai nhi ra khỏi cơ thể mẹ.
Hiện nay, y khoa vẫn vẫn chưa có phương pháp dự phòng tai biến sản khoa nguy hiểm này. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ siêu âm và quá trình thăm khám thai định kỳ có thể phát hiện, cảnh báo và xử lý sớm các dấu hiệu bất thường.
Ngoài ra, quá trình mang thai cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện sớm các thai kỳ nguy cơ, có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, PGS. Lưu Thị Hồng khuyến cáo.