Bảo vệ môi trường cần hành động, không nói suông

An Khê
18/12/2022 - 11:20
Bảo vệ môi trường cần hành động, không nói suông

Thanh Sương và nhóm bảo vệ môi trường tại Nhật Bản

Người Nhật được dạy từ bé tính kỉ luật, đại đa số họ làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến hậu quả hay là nghĩ đến người kế sau. Họ còn rửa kỹ càng trước khi phân loại rác và họ làm một cách rất tự nguyện.

Rác là gì? Rác từ đâu mà sinh ra? Nó không phải của riêng ai, cũng chẳng phải của riêng một quốc gia dân tộc nào. Đó là những trăn trở của cô sinh viên Việt Nam Dương Thị Thanh Sương (SN 1999) đang học năm thứ 3 tại Osaka (Nhật Bản).

Thanh Sương nhớ lại: "Mình được sinh ra và lớn lên ở một xã ở huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi mà 10 năm về trước môi trường rất an toàn, xanh, sạch. Nhưng những năm gần đây, vấn nạn về rác trở nên trầm trọng ngay chính con đường mà mình đi học".

Khi sang học tập ở Nhật Bản, Thanh Sương thường tự mình đi nhặt rác trên đường. Tuy nhiên, ở Nhật rác vứt ra nơi công cộng không nhiều. Cô gái cho biết khi về thăm nhà vào năm 2019, cô đã có cảm giác bất lực vì rất khó để có thể cầm túi đi nhặt như ở bên Nhật bởi có quá nhiều rác bị vứt ở môi trường công cộng, nhặt cũng không xuể. Từ khi ấy, Thanh Sương càng muốn bảo vệ môi trường, không chỉ nói suông mà còn phải bắt tay vào hành động ngay.

Hiện nay, vừa là sinh viên năm 3 ngành Khoa học tự nhiên, Thanh Sương vừa đang đảm nhận 2 vài trò khác là Đại sứ Du học sinh Việt Nam tại Cục Du lịch tỉnh Osaka và là đại sứ của một tổ chức về phát triển xã hội bền vững do trường đại học hợp tác cùng Cục Môi trường Nhật Bản có trụ sở ở Tokyo. 

Mới đây, Thanh Sương nhận lời làm Trưởng nhóm của "Xanh Việt Nam" (một tổ chức bảo vệ môi trường) tại Nhật Bản. Nhóm gồm 43 người đến từ 8 quốc gia khác nhau cùng yêu thích và mong muốn được bảo vệ môi trường sống xanh, sạch. Mặc dù không tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trong nước, nhưng từ nước bạn, Thanh Sương đang từng ngày nỗ lực cùng cộng đồng các bạn trẻ Việt Nam tại Nhật và du học sinh các nước, chung tay bảo vệ môi trường sống. Thanh Sương đã tổ chức thành công 2 đợt hoạt động vì môi trường tại Osaka, thu hút được cộng đồng tham gia.

Bảo vệ môi trường: Hành động, không nói suông - Ảnh 1.

Dương Thị Thanh Sương tích cực tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường

Rèn thói quen bảo vệ môi trường từ việc nhỏ

Chia sẻ về con đường du học tại Nhật Bản, Thanh Sương nói: "Lúc mình chọn đi du học để học về môi trường là thời điểm vào gần 6 năm trước, khi đó chưa có "Xanh Việt Nam", chưa có nhiều các tổ chức về bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Mình đã lặn lội sang một đất nước khác để xem và học hỏi, sau này đem về cống hiến cho quê hương. Mình đã nghĩ như thế, nhưng thời gian thì không chờ đợi bất cứ điều gì. Nên thay vì học xong mới cống hiến, thì mình đang chọn cách cống hiến nho nhỏ. Mình muốn đem những điều cao quý của con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mình đã chọn nhặt rác mang tinh thần Việt Nam nhưng nhặt ở Nhật cùng nhiều bạn ở nhiều quốc gia khác nhau".

Theo cảm nhận của Thanh Sương, hiện nay không chỉ giới trẻ, mà ở rất nhiều lứa tuổi đều đã có ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không nhiều người bắt tay vào để làm ngay. Nhiều người còn chưa biết bảo vệ môi trường như thế nào, nên làm gì cho đúng.

Bảo vệ môi trường: Hành động, không nói suông - Ảnh 2.

Thanh Sương và nhóm bảo vệ môi trường tại Nhật Bản

Cô cũng chia sẻ rằng, tại Nhật Bản, người Nhật được dạy từ bé tính kỉ luật, đại đa số họ làm bất cứ việc gì cũng nghĩ đến hậu quả hay là nghĩ đến người kế sau. Nên hầu như việc bảo quản tài sản chung hay ý thức gìn giữ môi trường của họ rất tốt. Đó là điều mà Thanh Sương nhận thấy cần học hỏi nước bạn. 

Trong thời gian tới, Thanh Sương cho biết sẽ dành nhiều thời gian hơn để lan tỏa hành động nhặt rác bảo vệ môi trường, song song với việc giao lưu quốc tế về mảng môi trường. Mục tiêu trước khi tốt nghiệp đại học của Thanh Sương là có một tổ chức nòng cốt về hoạt động bảo vệ môi trường, để từ đó nâng cao ý thức cũng như lan tỏa năng lượng tích cực đến cộng đồng.

"Chúng ta nên đưa thêm vào giáo dục những bài học về môi trường, học cách trân trọng những gì được thừa hưởng, được cung cấp. Từ rất lâu, người Nhật còn rửa kỹ càng trước khi phân loại rác. Họ làm một cách rất tự nguyện. Vậy từ đâu mà họ làm được như vậy? Đó là từ thói quen, người này nhìn người kia. Thấy tốt thấy đúng thì bắt tay làm thử. Rồi dần dần thói quen đó trở thành điều hiển nhiên với đại đa số người Nhật".

Thanh Sương

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm