Bảo vệ môi trường theo nguyên lý tuần hoàn, góp phần xây dựng nông thôn mới

Bài và ảnh: An Khê
14/11/2022 - 22:57
Bảo vệ môi trường theo nguyên lý tuần hoàn, góp phần xây dựng nông thôn mới

Sản phẩm tái chế thời trang kết hợp với thổ cẩm

Kinh tế tuần hoàn là mô hình phát triển bền vững dựa trên mục tiêu tận dụng các nguồn chất thải và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, duy trì việc sử dụng lâu dài các nguồn nguyên vật liệu và tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Bảo vệ môi trường theo nguyên lý tuần hoàn còn là một trong những tiêu chí cơ bản góp phần xây dựng nông thôn mới.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam - Giảng viên, chuyên gia tư vấn chính sách về kinh tế tuần hoàn Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Đại học Kinh tế Quốc dân), kinh tế tuyến tính gây suy giảm tài nguyên và gia tăng rác thải. Theo một số nghiên cứu, dự báo lượng rác thải toàn cầu sẽ lên đến 3,4 tỉ tấn vào năm 2050, với tốc độ tăng hơn gấp đôi so với tốc độ tăng dân số trong cùng giai đoạn.

Bảo vệ môi trường theo nguyên lý tuần hoàn góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Hoàng Nam - Giảng viên, chuyên gia tư vấn chính sách về kinh tế tuần hoàn Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (Đại học Kinh tế Quốc dân)

Năm 2050, tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra biển sẽ nhiều hơn tổng khối lượng cá trong các đại dương. Việt Nam nằm trong nhóm hàng đầu thế giới về rác thải nhựa đại dương. Chất thải rắn tăng 10% mỗi năm, chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng 10-16%, tốc độ gia tăng xếp thứ 4 Đông Nam Á. Dự đoán chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng 37% vào năm 2030 và 89% vào năm 2050.

Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các thiết kế chủ động. Nó thay thế khái niệm "kết thúc vòng đời" của vật liệu bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và hướng tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kỹ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó. Là nơi mà giá trị của sản phẩm, vật liệu và tài nguyên được duy trì lâu nhất có thể và chất thải được giảm thiểu.

Kinh tế tuần hoàn cũng là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Bảo vệ môi trường theo nguyên lý tuần hoàn góp phần xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Các sản phẩm bảo vệ môi trường từ tre, ống hút cỏ, ống hút tre, chén dĩa mo cau, dĩa lá nho biển...

Mô hình kinh tế tuần hoàn khác biệt với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống dựa trên việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. Các mô hình thực tiễn của kinh tế tuần hoàn như vườn - ao - chuồng, mô hình kinh tế trang trại kết hợp nuôi gia ѕúc, gia cầm, thủу ѕản ᴠới trồng lúa nước ᴠà câу ăn quả, biogas, phân bón hữu cơ, sản xuất nước tẩy rửa sinh học, rau thủy canh kết hợp nuôi thủy sản; các sản phẩm như ống hút cỏ bàng, ống hút gạo thay cho nhựa dùng một lần. Mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản như vỏ tôm, đầu tôm,…

Ngoài ra, phân loại và tái chế rác tại nguồn có sự tham gia của hội phụ nữ; không xả thải ra thiên nhiên, thu gom thực phẩm thừa cho chăn nuôi… cũng là những mô hình được áp dụng trong nông nghiệp và được nhiều địa phương đưa vào tiêu chí bảo vệ môi trường, xây nông thôn mới.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, hệ thống kinh tế tuần hoàn bao gồm các vấn đề về thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, từ chất thải trở lại thành tài nguyên.

Thiết kế với mục tiêu gồm có tạo ra các sản phẩm xanh, tăng khả năng tái chế, tái sử dụng về sau. Sản xuất gồm có sản xuất sạch hơn, giảm phát thải và thực hiện tuần hoàn vật liệu ngay trong khâu sản xuất. Tiêu dùng gồm có dịch vụ tốt hơn, người tiêu dùng có trách nghiệm với môi trường sinh thái hơn và thông minh hơn. Quản lý chất thải gồm có phân loại, thu gom cuối vòng đời, tái chế tạo. Từ chất thải trở lại thành tài nguyên gồm có tái chế chất thải, tái sử dụng tài nguyên.

Có thể thấy, trong điều kiện biến đổi khí hậu thì việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu, đã và đang được các địa phương quan tâm thực hiện, ngày càng được mở rộng do hiệu quả cao trên tất cả các mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

Quá trình sản xuất theo chu trình khép kín, hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm tối đa sự lãng phí, thất thoát và lượng chất thải.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian tới, các địa phương đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế tuần hoàn, thông qua các giải pháp như: Thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ. Thực hiện các mô hình kinh tế theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học, sử dụng phế phụ phẩm sau thu hoạch. Hoàn thiện và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, quay vòng hoàn trả lại hữu cơ cho đất, không đốt rơm rạ, thúc đẩy sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trên tất cả các lĩnh vực nói chung sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay và là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm chiến lược phát triển bền vững, góp phần hoàn thiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm