Bảo vệ nền tảng tư tưởng từ những "tế bào" của Đảng

Bách Việt
19/10/2022 - 20:01
Bảo vệ nền tảng tư tưởng từ những "tế bào" của Đảng

Cán bộ Hội LHPN tỉnh Ninh Bình dự Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 21 KL/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và chuyên đề toàn khóa về “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (tháng 1/2022). Ảnh: CTV

Tổ chức cơ sở đảng được xác định là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên là một trong sáu định hướng về xây dựng Đảng giai đoạn 2021 – 2025 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII càng cho thấy rõ hơn ý nghĩa của việc tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Vai trò nền tảng của tổ chức cơ sở Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng. Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam xác định: "Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở"[1]. Như vậy, tổ chức cơ sở đảng là một thuật ngữ dùng để chỉ một chi bộ cơ sở hay một đảng bộ cơ sở ở một đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...). Với vai trò là "hạt nhân chính trị", tổ chức cơ sở đảng chính là "tế bào" của Đảng. Nếu mỗi tế bào trong cơ thể đều khỏe mạnh thì sẽ có một cơ thể khỏe mạnh.

Nói về vai trò của tổ chức cơ sở đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng ta – chỉ rõ: "Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy"[2]. Thực tiễn cho thấy, tổ chức cơ sở đảng là nơi nắm vững và bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đ­ường lối, chính sách của Đảng và Nhà nư­ớc và cũng là cầu nối gần nhất, cụ thể và thường xuyên giữa Đảng với dân. Làm tốt công tác xây dựng tổ chức đảng ở cơ sở là một yếu tố quan trọng để Đảng vững mạnh. Hạt nhân của tổ chức cơ sở đảng chính là chi bộ, dù là đảng bộ cơ sở thì cũng được hợp thành bởi các chi bộ. Bởi vậy, chi bộ là nơi quán triệt và bàn các biện pháp chấp hành triệt để các nghị quyết của Đảng; nơi đấu tranh về quan điểm và rèn luyện đảng viên; nơi gắn liền Đảng với quần chúng, nơi vận động quần chúng thực hiện tốt chính sách của Đảng. Vai trò của tổ chức cơ sở đảng thể hiện rõ nét ở những phương diện sau:

- Vai trò lãnh đạo: Ở cơ sở, từ chính quyền (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở (Công đoàn, Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh cơ sở) đều đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng. Thông qua vai trò lãnh đạo, các lĩnh vực của đời sống xã hội ở cơ sở như: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng, an ninh,… được quản lý, duy trì và phát triển theo đúng định hướng của Đảng. Nếu không có tổ chức cơ sở đảng lãnh đạo ở đơn vị cơ sở thì mọi hoạt động của các tổ chức, mọi hoạt động ở đơn vị cơ sở chỉ là tự phát, mọi hoạt động trở nên mất phương hướng, không đúng theo định hướng chính trị của Đảng. Nếu ngay từ cơ sở mà hoạt động mất định hướng thì sẽ dẫn đến mất phương hướng trong việc thực hiện mục tiêu chung.

- Vai trò tập hợp, đoàn kết: Tổ chức cơ sở đảng luôn được xác định là trung tâm đoàn kết, quy tụ, tập hợp mọi lực lượng ở cơ sở thành một khối thống nhất ý chí và hành động, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, bất kỳ ở đâu, khi nào, công việc gì mà nội bộ đoàn kết, thống nhất từ Thường trực đến Ban Thường vụ, Cấp ủy, tổ chức đảng thì đơn vị sẽ tạo ra sức mạnh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của mình. Ngược lại, nếu nội bộ mất đoàn kết, chia rẽ bè phái, phe cánh; cấp ủy viên, đảng viên không gương mẫu thì không tập hợp được lực lượng, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Vai trò vận động quần chúng: Với bản lĩnh và uy tín, tổ chức cơ sở đảng còn là là nơi giáo dục, tổ chức, động viên nhân dân thực hiện có hiệu quả Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quần chúng nhìn vào sự lãnh đạo của tổ chức đảng, nhìn vào tấm gương của đảng viên nơi mình sinh sống, công tác để thay đổi nhận thực và điều chỉnh hành vi của mình.

Có thể khẳng định, các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có được thực hiện tốt hay không, có đi vào và trở thành hiện thực trong cuộc sống hay không là nhờ vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng từ những tế bào của Đảng - Ảnh 1.

Hội nghị diễn đàn nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp uỷ và sinh hoạt chi bộ, giai đoạn 2022 - 2025 của Đảng uỷ xã Thổ Bình huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Lâm Bình

 

Tạo "miễn dịch" từ hạt nhân chính trị

Theo số liệu từ Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương, tính đến 31/12/2021, toàn Đảng có 51.299 tổ chức cơ sở đảng (gồm 22.944 đảng bộ cơ sở, 28.355 chi bộ cơ sở). Kể từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn quan tâm, chú trọng xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các nghị quyết của Đảng qua các nhiệm kỳ Đại hội đều khẳng định: "Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên"; "Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở"; "đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam". Trong những nhiệm kỳ Đại hội gần đây, Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành, triển khai nhiều chủ trương, nghị quyết để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW "Về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên". Năm 2018, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 38-KL/TW trong đó khẳng định: "Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, công tác củng cố, xây dựng Đảng ở cơ sở đã được cấp ủy các cấp nghiêm túc tổ chức thực hiện và đạt được kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng có chuyển biến tích cực, nhất là ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang"[3].

Trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng, phần về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nêu rõ: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng trong việc giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của chi bộ"[4]. Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra từ 4 – 10/5/2022 tại Hà Nội) là bước cụ thể hóa nội dung về xây dựng tổ chức cơ sở đảng mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu lên. Tại hội nghị, Trung ương đã thảo luận và thống nhất cao về sự cần thiết phải tạo cho được sự chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị ở nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở. Ngày 16/6/2022, thay mặt Ban chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW "Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới". Nghị quyết nêu lên những kết quả, ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế về "chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng"; "một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới"; hiện tượng "phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật"... Nghị quyết một lần nữa xác định rõ: "Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị, cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở" và đặt ra mục tiêu tổng quát: "Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, nhất là bí thư cấp uỷ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tổ chức cơ sở đảng. Nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới"[5].

Theo đó, Nghị quyết 21-NQ/TW đề cập cụ thể đến 2 chủ thể cần tập trung để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở đảng. Trước hết, đó là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi, đảng bộ cơ sở đảm phù hợp với nguyên tắc chung và thực tiễn của lĩnh vực hoạt động, địa phương, cơ quan, đơn vị với kết quả là làm sao để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình "chi bộ/đảng bộ bốn tốt" (Hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt). Cùng với đó, Nghị quyết đặc biệt chú trọng đến chủ thể thứ hai đó là đối với từng đảng viên, bởi lẽ, suy cho cùng thì chất lượng của mỗi chi, đảng bộ cơ sở đều  được hình thành bởi chất lượng của từng đảng viên. Đây chính là chủ thể quan trọng nhất cần tập trung nâng cao chất lượng để tạo nên "miễn dịch" trước những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"… Để nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên thì công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đảng viên rất quan trọng. Có thể nói, đây là liều vaccine để tạo ra "miễn dịch" trước những ảnh hưởng xấu từ các quan điểm sai trái, thù địch.

Phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 5 về Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, về nhận thức, phải xác định rõ tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, đảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, có vị trí rất quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng. Đội ngũ đảng viên có vai trò trực tiếp và là nhân tố cơ bản quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, đảng viên, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


[1] Điều lệ Đảng khóa XI

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, tập 11, tr.161

[3] Kết luận số 38-KL/TW ngày 13/11/2018 Bộ Chính trị.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật năm 2021, tr80.

[5] Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm