Không để bạo lực còn là nỗi đau với phụ nữ khuyết tật

Ngự Bình
11/01/2020 - 20:30
Không để bạo lực còn là nỗi đau với phụ nữ khuyết tật
Có một số chị em khuyết tật trí tuệ bị xâm hại tình dục nhiều lần đến mức gia đình không biết cách nào khác phải đưa đi triệt sản. Hoặc có nhiều trường hợp bị xâm hại nhưng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật không biết nói với ai.

Ngày 11/1, tại Học viện Phụ nữ, với sự tài trợ của Quỹ Canada dành cho sáng kiến địa phương (CFLI), Hội Người khuyết tật (NKT) Hà Nội tổ chức cuộc thi Tuyên truyền viên giỏi trước công chúng. Cuộc thi về các nội dung và chủ đề khác nhau nhằm góp phần chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái nói chung và phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật nói riêng.

Các thí sinh đạt giải trong cuộc thi Tuyên truyền viên giỏi trước công chúng

Các thí sinh đạt giải trong cuộc thi Tuyên truyền viên giỏi trước công chúng

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết: Hiện thành phố này có 101.844 NKT, trong đó phụ nữ chiếm 49%, trẻ em chiếm 12.3%. Phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật dân tộc thiểu số là đối tượng có nguy cơ cao trải qua các hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tâm lý và kinh tế. Theo Liên hợp quốc, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có nguy cơ bạo lực giới cao hơn so với nam giới khuyết tật do bị kỳ thị và phân biệt đối xử về giới và khuyết tật. Có một số chị em khuyết tật trí tuệ bị xâm hại nhiều lần đến mức gia đình không biết cách nào khác phải đưa đi triệt sản. Hoặc có nhiều trường hợp bị xâm hại nhưng phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật không biết nói với ai. Tuy vậy, phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật bị bạo lực tình dục rất thiếu kiến thức và kỹ năng ứng phó với bạo lực. Từ đây, "Cuộc đua kỳ thú: chống bạo lực tình dục" đã ra đời để NKT cùng cộng đồng trau dồi hiểu biết và kỹ năng để bảo vệ chính mình trước nạn bạo lực tình dục.

Các thí sinh tham gia cuộc thi “Cuộc đua kỳ thú: chống bạo lực tình dục”

Các thí sinh tham gia cuộc thi “Cuộc đua kỳ thú: chống bạo lực tình dục”

Vượt qua trở ngại trên xe lăn, trình bày bằng ký hiệu, các thí sinh đã chia sẻ những hiểu biết của mình về bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ gái khuyết tật.

Dưới hình thức của một cuộc thi vận động, 15 anh chị em khuyết tật cùng 15 sinh viên của Học viện Phụ nữ đã cùng nhau vượt qua hàng loạt thử thách để hiểu hơn về những khó khăn của khuyết tật và nạn bạo lực tình dục cùng sự cổ vũ của 300 thanh niên. 

Các học viên đã được trải nghiệm cách di chuyển bằng xe lăn và trong bóng tối với sự hướng dẫn của các bạn khuyết tật. Nhiều bạn trẻ cho biết, họ ngỡ ngàng khi NKT phải vật lộn di chuyển như thế. Chưa kể, các bạn còn hiểu được nỗi sợ khi NKT bị tấn công tình dục nhưng thiếu khả năng chống trả. 

Một trong những vấn đề kìm hãm sự phát triển của NKT đó là nỗi sợ khi bị xâm hại nhưng không dám kêu gọi sự giúp đỡ. Chính vì thế, ở vòng cuối, các thí sinh đã cùng nhau sáng tác các thông điệp và băng rôn truyền thông về phòng chống bạo lực tình dục.

Những vũ điệu yêu thương

Những vũ điệu yêu thương

Từ 'Cuộc đua kỳ thú: chống bạo lực tình dục", Hội người khuyết tật Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện chuỗi chương trình chia sẻ phòng chống bạo lực tình dục cho NKT. Dự án "Góp phần chấm dứt bạo lực tình dục và bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật thông qua các hoạt động nâng cao năng lực, vận động chính sách và nhận thức" hiện đang được cộng đồng đón nhận và hưởng ứng như một chương trình rút ngắn khoảng cách, gia tăng sự thấu hiểu xã hội và sự tự tin, chủ động của NKT.

Những kết quả dự kiến đạt được khi kết thúc dự án vào tháng 2/2020

-20 cán bộ nòng cốt là người khuyết tật sẽ được trang bị thêm kiến thức về khuyết tật/giới, văn bản liên quan đến chính sách và khung pháp lý. Họ cũng được trang bị và thực hành kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thúc đẩy thực hiện chính sách và thuyết trình trước đám đông về các lĩnh vực này.

-Tăng cường nhận thức về bạo lực tình dục trên cơ sở giới ở phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật cho khoảng 2.000 người trên mạng thông qua trang fanpage của Hội.

-300 nam giới sẽ có thêm kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực tình dục trên cơ sở giới liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

- Các đề xuất sẽ được gửi tới các cơ quan chức năng để hoàn thiện chính sách khi thực hiện sửa đổi Luật Người khuyết tật và các văn bản Luật liên quan đến hỗ trợ người khuyết tật bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động xã hội.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm