Bảo vệ trẻ em: Nhiều quá, hóa… loãng!

21/12/2017 - 16:23
Trẻ em là đối tượng đặc biệt nhất khi được nhiều bộ ngành, tổ chức xã hội… cùng chung tay bảo vệ. Thế nhưng, bạo lực, xâm hại vẫn diễn ra hàng ngày.

Nhiều cánh tay nhưng thiếu phối hợp

Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em khỏi nạn bạo lực, xâm hại một lần nữa được đặt ra trong diễn đàn do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (BVQTEVN) tổ chức vào sáng 21/12 tại Hà Nội. Rất nhiều diễn giả, trong đó có cả các cơ quan quản lý, đại diện các hội, tổ chức xã hội… có mặt để cùng bàn giải pháp bảo vệ trẻ em thực chất nhất có thể.

Bà Ninh Thị Hồng- Phó Chủ tịch Hội BVQTEVN, khi trao đổi với báo chí đã thừa nhận rằng, đang có rất nhiều cánh tay giơ ra để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại và bạo lực, thế nhưng vấn nạn nhức nhối ấy vẫn diễn ra hàng ngày.

be-trai.jpgBé trai 10 tuổi ở Hà Nội bị bố và mẹ kế bạo hành 2 năm ròng khiến dư luận phẫn nộ

“Một em bé đang có nhiều cơ quan khác nhau cùng có trách nhiệm bảo vệ, quản lý. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao bạo lực, xâm hại vẫn xảy ra? Vấn đề ở đây là gì? Ngành nào cũng có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng tôi cho rằng chưa làm tốt công tác phối hợp của cộng đồng. Tôi được biết có nhiều tổ dân phố vì muốn đạt thành tích, vì muốn có danh hiệu khu phố văn hóa nên cố tình giấu đi những vụ việc người dân phát giác, bởi nếu sự việc ầm ĩ, những thành tích hão ấy cũng tan biến!”- bà Hồng nói.

Khi đi tìm hiểu thực tế vụ việc trẻ mầm non Tuổi Xanh (TPHCM) bị cô giáo hành hạ dã man, bà Hồng rất đau lòng khi nghe nhiều người dân quanh đó nói rằng, họ thi thoảng có nghe tiếng trẻ khóc thét nhưng cứ nghĩ là không có gì nghiêm trọng. Đến cả phụ huynh, khi đưa con vào lớp thấy con khóc toáng đòi về cũng không mảy may nghi ngờ.

“Không chỉ thiếu sự phối hợp, đó còn là sự thờ ơ, thiếu quan tâm của cộng đồng, của chính gia đình trẻ. Tiếng khóc của trẻ chính là tiếng cầu cứu cộng đồng, nếu được chú ý và nhanh chóng tố giác lên cơ quan chức năng, có lẽ sự việc đã không đi quá xa như thế. Hoặc như vụ bé 10 tuổi ở Hà Nội bị bố và mẹ kế đánh đập ròng rã hai năm, tổ dân phố đang ở đâu, nhận nhiều thành tích để làm gì khi trong chừng ấy thời gian không phát hiện ra được vụ việc?”- bà Ninh Thị Hồng trăn trở.

Theo bà Hồng, muốn thực hiện tốt hơn việc bảo vệ trẻ em, chắc chắn phải có sự phối hợp giữa các cơ quan, giữa các tổ chức đoàn thể để làm tốt công tác ngăn ngừa, bởi nếu chỉ xử lý vụ việc thì chỉ như cắt phần ngọn mà thôi.

Trao quyền giám sát cho tổ chức chính trị xã hội đến đâu?

Tại diễn đàn, Hội BVQTEVN cho rằng, Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) cần làm rõ hơn vai trò giám sát của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Thực tế cho thấy, Mặt trận tổ quốc có nhiều tổ chức thành viên có vai trò giám sát, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN).

Thế nhưng các tổ chức thành viên được giám sát như thế nào, cơ chế ra sao thì vẫn chưa được quy định rõ. Vì thế mới có tình trạng giám sát đi cả đoàn đông, có báo trước, nên bạo lực và xâm hại vẫn cứ thế diễn ra.

img_1794.jpg
Diễn đàn nêu ra nhiều thực trạng về việc phối hợp bảo vệ trẻ em giữa các tổ chức và bộ, ngành. Ảnh: D.H

“Nếu các tổ chức xã hội có quyền hạn được vào cơ sở mầm non bất cứ lúc nào, không báo trước thì mới phát hiện được bạo lực, xâm hại trẻ em. Với trẻ em, phải có giám sát đặc biệt mới phát giác được, chứ thực tế là vẫn cứ đoàn lớn đoàn nhỏ, lúc nào cũng thấy tốt nhưng trẻ thì vẫn cứ bị bạo hành hàng ngày. Cơ quan quản lý cần làm rõ: Những tổ chức nào được phép kiểm tra đột xuất, khi phát giác thì được phép làm những việc gì”- bà Ninh Thị Hồng khuyến nghị.

Điều này cũng được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai- Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, TW Hội LHPNVN, đồng tình khi cho rằng pháp luật quy định về quyền của MTTQVN và tổ chức thành viên thực hiện giám sát quá trình giải quyết của các cơ quan tố tụng, tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể về phạm vi, mức độ, nội dung thực hiện giám sát.

“Việc thiếu hướng dẫn cụ thể này dẫn đến tình trạng thiếu chủ động của các tổ chức chính trị xã hội khi tham gia giám sát quá trình giải quyết vụ việc, từ đó đưa ra kiến nghị giải quyết vụ việc thiếu kịp thời”- bà Tuyết Mai nêu thực tế. 

Theo Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Tổng cục Cảnh sát, bộ Công an, từ năm 2014 đến năm 2016, toàn quốc phát hiện gần 4.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 4.320 đối tượng gây án. 6 tháng đầu năm 2017 đã phát hiện gần 700 vụ xâm hại tình dục trẻ em, với 716 đối tượng ây án. Nạn nhân bị xâm hại chủ yếu là bé gái- chiếm 80%. 

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm