pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất động sản dưỡng lão: Thị trường sơ khai, dư địa lớn nhưng nhiều rào cản
Không gian cho người già tại Ecopark - Ảnh: E.C.P
Bất động sản dưỡng lão – thị trường đầy tiềm năng
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2019 với tỷ lệ dân số trên 65 tuổi là 7,7% . Dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già vào năm 2035, khi tỷ lệ này tăng lên tới 20%.
Già hóa dân số cho thấy đời sống kinh tế xã hội phát triển, các chính sách về y tế và an sinh xã hội của Việt Nam ngày một tốt hơn nên tuổi thọ tăng lên. Người cao tuổi nên được xem như là một nguồn lực cho gia đình, cộng đồng. Già hóa dân số nên được nhìn nhận trên khía cạnh tích cực và dân số già hóa là cơ hội lớn cho các ngành kinh tế, dịch vụ cho người cao tuổi.
Tuổi thọ trung bình của Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi năm 1999 lên 73,2 tuổi năm 2014; 73,6 tuổi năm 2019 và dự báo sẽ lên 78 tuổi vào năm 2030. Trong đó, tuổi thọ bình quân của phụ nữ (74 tuổi) cao hơn so với nam giới (71 tuổi). Dự kiến năm 2030, tuổi thọ bình quân của phụ nữ là 77 tuổi còn nam giới là 74 tuổi.
(Số liệu Tổng điều tra dân số 2019 - Tổng cục thống kê)
Trên thế giới, các quốc gia đều tích cực chuẩn bị cho giai đoạn già hóa dân số và Việt Nam cũng sẽ phải tích cực chuẩn bị cho kịch bản dân số già.
Với khoảng 1/5 dân số là người già, các loại hình dịch vụ, trong đó đặc biệt là bất động sản cho người cao tuổi sẽ có dư địa phát triển rất lớn. Nhu cầu thị trường là hiện hữu, "ai cũng thấy được", nhưng chẳng mấy cá nhân, doanh nghiệp thực sự mặn mà làm bất động sản dưỡng lão.
Tại các nước như Mỹ, Pháp, mô hình nhà ở dưỡng lão dành cho đối tượng khách hàng người cao tuổi có thể thuê, mua đã hình thành từ lâu. Tại Úc, các khu nhà ở dưỡng lão được xây dựng với mật độ thấp ở các vùng ngoại ô, nhiều cây xanh. Trong các khu nhà ở cho người cao tuổi, các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe chuyên biệt được cung cấp.
Tại châu Âu, nhiều người đã có kế hoạch chuẩn bị tài chính cho tuổi già từ khi bước vào trung niên, và họ sẽ mua nhà ở tại các dự án này khi về già.
Ở châu Á, Nhật Bản là nước có số lượng người lớn tuổi rất cao trong cơ cấu dân số. Thị trường dịch vụ, bất động sản cho người già tại Nhật rất phát triển, với doanh thu cao.
Việt Nam đặt mục tiêu mỗi tỉnh thành có 1 viện dưỡng lão nhưng hiện nay theo thống kê mới chỉ có 32/64 tỉnh thành có viện dưỡng lão, chủ yếu là các cơ sở tư nhân. Mô hình viện dưỡng lão - bất động sản cho thuê đi kèm dịch vụ cho người cao tuổi rất lớn và thị trường này ở Việt Nam hiện vẫn còn ở mức sơ khai. Về dự án bất động sản, tuy rất nhiều mô hình đã được đưa ra, nhưng hiện vẫn chưa có một dự án bất động sản nào dành riêng cho đối tượng người cao tuổi được thực hiện.
Rào cản từ 2 phía khi làm bất động sản dưỡng lão
Một doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra khẩu hiệu "Nơi những người già vui như đứa trẻ giữa lòng phố thị" để quảng bá về không gian sống xanh mà doanh nghiệp này đã xây dựng được. Chỉ một khẩu hiệu như vậy, hàng nghìn khách hàng đã quan tâm, doanh nghiệp có 1 chiến dịch quảng bá thực sự thành công. Từ đó có thể thấy, nhu cầu về những không gian sống tiện ích, phù hợp cho đối tượng người cao tuổi là nhu cầu lớn của toàn xã hội.
Thị trường bất động sản cho người cao tuổi rất giàu tiềm năng, nhiều cơ hội phát triển trong hiện tại và tương lai, vậy tại sao rất ít doanh nghiệp muốn nhảy vào?
Một nhà đầu tư bất động sản chia sẻ: "Ai cũng nhận thấy điều này, cũng có vài doanh nghiệp tính làm dự án bất động sản dưỡng lão rồi, nhưng khi lên bài toán đầu tư thì đều… chạy mất. Muốn có một dự án bất động sản cho người cao tuổi luôn cần diện tích đất lớn, phù hợp, cảnh quan tốt, khí hậu cũng phải đảm bảo, mới có thể tạo ra được nơi chất lượng cho người cao tuổi. Chi phí xây dựng và việc vận hành những dự án cho người cao tuổi sẽ rất cao và nhiều vấn đề phải giải quyết. Với tình hình bất động sản hiện tại, chủ đầu tư gặp quá nhiều khó khăn trong huy động vốn thực hiện dự án. Nếu có làm được, với những yếu tố trên, chỉ có thể bán sản phẩm ở mức giá cao, thời gian thu hồi vốn thì sẽ rất lâu, nên là chẳng ai mặn mà nữa".
Về phía người có nhu cầu, truyền thống trong ứng xử, tâm lý cũng chính là 1 rào cản để phát triển các dịch vụ trong đó có bất động sản dưỡng lão tại Việt Nam và nhiều nước châu Á. Người châu Á khi có tích lũy tài chính thì luôn mang tâm lý mua nhà cho con chứ không phải mua nhà cho mình. Tâm lý cha mẹ già ở cùng con, đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão, vào những khu ở riêng biệt sẽ là những quyết định rất khó khăn, thậm chí bị coi là bất hiếu, dù những khu nhà ở này có thể là cao cấp và phù hợp với việc chăm sóc sức khỏe cho người già.
TS Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam - đưa ra nhận định: "Thị trường Việt Nam đang dần hình thành nhu cầu về bất động sản nghỉ dưỡng khi về hưu hay viện dưỡng lão để chăm sóc người cao tuổi. Khó khăn đến từ việc chưa đa dạng phân khúc trong thị trường bất động sản dưỡng lão. Hiện nay, các viện dưỡng lão với chất lượng phục vụ tốt đều nằm ở phân khúc cao cấp, khiến đối tượng ở phân khúc thấp hơn khó có thể tiếp cận đến loại hình nghỉ dưỡng hưu trí, dưỡng lão".
Thời điểm hiện tại còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với tiềm năng lớn, bất động sản dưỡng lão là thị trường chắc chắn sẽ phát triển trong tương lai. Nhu cầu về những không gian sống xanh, riêng biệt và được chăm sóc về sức khỏe tốt có ở hàng triệu khách hàng cao tuổi, và thị trường sẽ hướng đến giải quyết tốt nhu cầu này.
Cảnh báo:
Thời gian qua, có doanh nghiệp công bố thông tin xúc tiến triển khai xây dựng dự án bất động sản dưỡng lão tại Hòa Bình, cung cấp dịch vụ dưỡng lão cao cấp. Doanh nghiệp này tiến hành huy động vốn, đi kèm việc trả lãi cao nhưng thực tế chất lượng dịch vụ có nhiều vấn đề. Vì vậy, khách hàng cần thận trọng, nghiên cứu kĩ lưỡng, đọc kĩ hợp đồng về các sản phẩm, dịch vụ cho người cao tuổi.