pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bất ngờ bên trong chiếc tủ đồ dùng hàng ngày cho phụ nữ tại khu cách ly ở Gia Lai
Tủ đồ dùng hàng ngày cho phụ nữ tại kkhu cách ly huyện Phú Thiện, Gia Lai.
Những chiếc tủ rất "phụ nữ"
Chu đáo, chi tiết và tinh tế, đó là những tính từ dùng để miêu tả những chiếc tủ đồ dùng hàng ngày miễn phí cho phụ nữ tại khu cách ly do Hội LHPN huyện Phú Thiện (Gia Lai) vận động quyên góp và lập ra.
Những vật dụng cá nhân bên trong gồm: Xà phòng tắm, dầu gội, bột giặt, lược chải tóc, kem, bót đánh răng, băng vệ sinh, quần lót giấy, bỉm trẻ em, tăm tre, tăm bông khăn mặt, nước uống, sữa, nước muối súc miệng… Đây là những vật dụng không lớn về giá trị vật chất nhưng lại rất quý giá ở những khu cách ly tập trung, là sự quan tâm rất đời thường nhưng thiết thực và tinh tế.
Chị Phạm Thị Ngọc Huyền (Ia Peng, Phú Thiện, Gia Lai) đang thực hiện cách ly tập trung tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện, nhận xét: "Sau khi trở thành F1, tôi thực hiện cách ly tập trung theo quy định. Tôi đã xét nghiệm lần 1 và có kết quả âm tính. Vào đây thời gian đầu cũng chưa quen nhưng được các chị phụ nữ động viên qua nhóm chat. Đặc biệt, tại khu cách ly có tủ đồ dùng hàng ngày miễn phí cho phụ nữ rất hữu ích. Vì có rất nhiều đồ dùng chúng tôi chưa kịp mua. Ngoài ra, nếu cần mua thêm thì liên hệ qua nhóm zalo với các chị bên Hội LHPN huyện nhờ mua giúp. Tủ đồ dùng này không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà các anh thanh niên cần món đồ nào cũng đến lấy được".
Những chiếc tủ nhỏ này chỉ là một phần trong hoạt động chống dịch của hội phụ nữ nơi đây. Từng người cán bộ hội cũng đang ngày đêm trực tiếp tham gia vào các công tác dập dịch thần tốc. Họ cùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ không chủ quan, lơ là hoặc hoang mang trước diễn biến của dịch bệnh, cùng chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép" vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Những tấm lòng trong vùng dịch
Bản thân người đứng đầu hội nơi đây, chị Võ Hoàng Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện (Gia Lai) cũng ngày đêm xắn tay vào từng công việc phòng chống dịch. Chị Lan cho biết: "Có lẽ sát khuẩn nhiều quá nên điện thoại cũng không nghe rõ lắm em ơi". Câu trả lời của chị khi chúng tôi liên lạc phỏng vấn đã phần nào thấy được khối lượng công việc chống dịch nhiều và căng thẳng dưới cơ sở như thế nào?
Dù vất vả và nguy hiểm, nhưng tinh thần vì cộng đồng của những người cán bộ Hội chưa bao giờ bị "dập tắt" trước Covid-19. Chị Võ Hoàng Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện, nhấn mạnh: "Cá nhân tôi không có gì phải lo lắng và hoang mang hết. Tôi phải gương mẫu, thường xuyên động viên chị em nêu cao tinh thần để tham gia phòng, chống dịch. Đây còn là niềm vinh dự và trách nhiệm của một người công dân Việt Nam".
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện còn phát huy vai trò, trách nhiệm của Chi hội trưởng trong việc nắm bắt và theo dõi sát tình hình về sức khỏe của người dân. Các chi hội trưởng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để nâng cao nhận thức, trách nhiệm tự giác chấp hành các quy định, khai báo, hỗ trợ truy vết thần tốc. Phối hợp với mặt trận và các đoàn thể, vận động hội viên phụ nữ, các nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ, quyên góp khẩu trang, nước sát khuẩn, các nhu yếu phẩm cần thiết. Nhiều chị tham gia vào đội quân tình nguyện phối hợp cùng với các lực lượng công an, quân đội phục vụ công tác hậu cần tại các khu cách ly tập trung và các điểm chốt chặn.
Chị Vũ Thị Tuyến, Chi hội trưởng phụ nữ tổ dân phố 4 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện , Gia Lai) đang tham gia phục vụ nấu ăn tại bếp ăn của Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện. Chị tâm sự rằng, kinh tế của chị chỉ dừng ở mức lương công nhân, chị không có điều kiện hỗ trợ về tiền bạc, vật chất. Vậy nên, chị đã tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác, phòng chống dịch Covid-19 tại bếp ăn của khu cách ly tập trung .
"Khi tham gia hoạt động phục vụ nấu ăn, tôi không lo sợ gì hết. Tôi chỉ nghĩ làm sao phải tạo ra những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho những người cách ly và các chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ở đây, các anh bộ đội sẽ đứng bếp, còn chúng tôi sẽ tham gia sơ chế, đóng gói. Tôi thấy tiêu chuẩn mỗi bữa ăn rất chất lượng. Với điều kiện kinh tế của người dân nơi đây rất khó để tự nấu những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và đều đặn mỗi ngày như vậy. Người ta đóng góp về tiền bạc, vật chất còn tôi thì lấy công để đóng góp. Tôi mong sao cho dịch bệnh sớm đẩy lùi", chị Tuyến bộc bạch.
Có lẽ, niềm mong ước dịch bệnh được sớm đẩy lùi của chị Tuyến cũng là mong ước chung của rất nhiều người, nhất là những người làm công tác Hội.