pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bé 3 tuổi bị thiếu máu, bác sĩ khuyên mẹ nên cho ăn 1 loại quả
Ba mẹ bất ngờ khi bác sĩ khuyên cho con 3 tuổi ăn ổi
Vợ chồng Đào Thị Vân đang làm công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương, có con gái hơn 3 tuổi nhưng còi cọc, xanh xao. Mới đây, hai vợ chồng chị đưa con gái đến gặp bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) khám và nhờ tư vấn về cách chăm con để cải thiện thể trạng của bé.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, con gái chị Vân bị thiếu máu. Để tìm nguyên nhân, bác sĩ Sang chỉ định xét nghiệm máu chuyên sâu cho cả bệnh nhi và làm tầm soát cho cả vợ chồng chị Vân. Vì không đủ điều kiện kinh tế, vợ chồng chị Vân nói với bác sĩ Sang: “Có thể làm xét nghiệm máu cho cháu thôi, vợ chồng tôi lần sau tái khám sẽ làm”.
Theo các bác sĩ, trẻ thiếu máu thường kén ăn, khó thở, da niêm mạc xanh xao... (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Sang cho biết tầm soát khả năng di truyền bệnh thiếu máu tốn chi phí khá cao so với thu nhập từ công việc làm công nhân ở khu công nghiệp của vợ chồng chị Vân. Vì vậy, anh nói với ba mẹ bệnh nhi: “Anh chị cứ đi lấy máu, đừng đóng tiền, đợi kết quả con ra thế nào tôi mới quyết định sẽ làm gì với mẫu xét nghiệm của ba mẹ. Anh chị có thể không cần làm gì cả nếu kết quả tiếp theo của con bình thường”. Chờ vợ chồng chị Vân ngồi vào ghế lấy máu làm xét nghiệm, bác sĩ Sang lấy tiền của mình, nhờ chị điều dưỡng đi đóng tiền thay giúp họ.
May mắn, các kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhi không phải thiếu máu do di truyền mà chỉ thiếu sắt nhẹ. Theo bác sĩ Sang, thiếu sắt là nguyên nhân chính khiến trẻ bị thiếu máu.
Bác sĩ kê thuốc bổ sung sắt, acid folic, vitamin C hỗ trợ tạo máu. Ngoài ra, anh còn khuyên vợ chồng chị Vân mua ổi về bỏ hạt, vỏ, cắt miếng, xay sinh tố, ép nước cho con ăn.
Vừa nghe, vợ chồng chị Vân bất ngờ, không hiểu vì sao. “Ổi chứa hàm lượng vitamin C gấp 4-5 lần so với cam, giá lại rẻ hơn rất nhiều, anh chị về nhà hãy mua cho con ăn để bé có thêm sức đề kháng”, bác sĩ Sang giải thích.
Trẻ ăn ổi tốt nhưng cần tránh 3 điều này
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ổi là trái cây có hàm lượng vitamin C cao, cho trẻ ăn quả này sẽ giúp bé tăng cường sức đề kháng trong tình hình dịch chồng dịch như hiện nay. Hơn nữa, trong quả ối có acid folic và giá trị dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa một số dị tật liên quan đến não, cột sống, góp phần cho sự phát triển của hệ thần kinh, kích thích tăng trưởng và tái tạo tế bào ở trẻ.
Vitamin A có trong quả ổi có tác dụng tốt cho đôi mắt sáng, khỏe. Ngoài ra, đặc tính chống oxy hóa của quả ổi giúp cơ thể bé tăng cường đề kháng, ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Đồng thời, quả ổi cũng giúp ngăn ngừa các bệnh do gốc tự do (ROS) gây ra như: Alzheimer, Parkinson, các rối loạn khác như: Tăng oxy trong máu và viêm.
Lượng chất xơ dồi dào trong ổi giúp cải thiện tiêu hóa ở trẻ em, ngăn ngừa táo bón và viêm ruột thừa, tiêu chảy, kiết lỵ. Trái cây này còn góp phần tăng sinh máu trong cơ thể.
Trẻ ăn ổi sẽ hạn chế tình trạng thiếu máu và ngừa được nhiều bệnh khác. (Ảnh minh họa)
Theo các bác sĩ, khi trẻ được 6 tháng tuổi trở lên, sữa mẹ đã loãng dần và thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của con. Lúc này, ngoài bổ sung các món ăn dặm, sữa, cha mẹ cần bổ sung các loại rau, trái cây, trong đó có ổi vì chúng giàu hương vị và dưỡng chất.
Tuy nhiên, các sĩ cho khuyến cáo, cha mẹ khi cho con ăn ổi cần phải đảm bảo 3 lưu ý sau:
Cần sử dụng ổi tươi và chín, tránh sử dụng ổi đông lạnh. Khi mua ổi về rửa thật kỹ trước khi chế biến cho con ăn để đảm bảo vệ sinh cũng như an toàn thực phẩm.
Với các bé dưới 2 tuổi, nên gọt vỏ ổi, bỏ hạt, cắt miếng nhỏ và luộc sơ cho miếng ổi mềm. Sau đó, cho ổi vào máy ép lấy nước và dùng rây lọc lại để tránh bã ổi khiến bé bị sặc. Khi cho bé ăn ổi, các mẹ lưu ý cho bé ăn chậm, ăn từng muỗng nhỏ để làm quen với món ăn. Đồng thời, mẹ cần quan sát xem bé có các dấu hiệu khó chịu hay tác dụng phụ nào không.
Chỉ cho bé uống nước ép ổi 2 lần/tuần vì a-xít trong trái cây thường gây ra chứng hăm tã ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, nếu thấy con có các triệu chứng khác như: ngứa, nổi mẩn, mặt sưng phù cần cho bé ngừng ăn ổi, đưa đi khám để tìm nguyên nhân.