Bệnh nhân nhiễm Covid-19 có ủ bệnh quá 14 ngày hay không?

Linh Trần
20/04/2020 - 13:53
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 có ủ bệnh quá 14 ngày hay không?

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Gần đây, một số ca bệnh được xác định nhiễm Covid-19 có thời gian đến vùng dịch rất lâu, từ 23 đến 36 ngày. Dư luận đặt câu hỏi, liệu thời gian ủ bệnh của những người nhiễm Covid-19 có vượt quá 14 ngày theo như khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế hay không?

Mới đây nhất, ngày 14/4, Bộ Y tế xác định, BN 266 (nữ, 36 tuổi, trú tại huyện Thường Tín, Hà Nội) nhiễm COVID-19. Trước đó, từ ngày 8/3 đến ngày 10/3, bệnh nhân đến chăm mẹ tại Khoa Phục hồi chức năng (BV Bạch Mai). Ngày 12/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, từ thời điểm bệnh nhân đến BV Bạch Mai (sau này được xác định là vùng dịch) đến khi bệnh nhân được xác định nhiễm COVID-19 là 36 ngày.

Trước đó, tối ngày 6/4, Bộ Y tế công bố xác định BN 243 (47 tuổi, ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) nhiễm COVID-19. Trước đó, bệnh nhân từng đưa vợ đi khám bệnh tại BV Bạch Mai ngày 12/3. Từ thời điểm bệnh nhân đến BV Bạch Mai đến khi xác định nhiễm bệnh là 23 ngày.

Các thông tin trên được công bố khiến dư luận lo lắng. Cũng bởi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thời gian ủ bệnh từ 5-14 ngày. Dư luận cho rằng, với các trường hợp trên, nếu thời gian ủ bệnh lớn thì nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất cao.

Về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng, chưa có bằng chứng chứng minh các bệnh nhân có thời gian ủ bệnh vượt qua 14 ngày.

Theo bác sĩ Hồng, với các trường hợp trên, qua điều tra dịch tễ của các bệnh nhân thì thấy họ đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong đó có BV Bạch Mai. Họ gặp gỡ nhiều, đi nhiều địa điểm nên không thể xác định được họ lây nhiễm từ đâu, ở địa điểm nào. Do đó, cũng không thể khẳng định được họ lây nhiễm từ BV Bạch Mai mà đơn vị này chỉ là một trong những nơi có nguy cơ. Bác sĩ Hồng cho rằng, nếu muốn làm rõ lây nhiễm trong cộng đồng thì phải có kết quả nghiên cứu cụ thể các bệnh nhân và địa điểm mà họ đã từng tới.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế), đối với các bệnh nhân trên, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã làm cả xét nghiệm kháng thể nhưng chưa phát hiện kháng thể ở bệnh nhân này. Như vậy, có thể kết luận BN 243 và 266 không phải mắc COVID-19 từ trước mà là mới mắc bệnh trong gần thời gian Bộ phát hiện. Dó đó, có thể khẳng định có sự lây truyền mới trong cộng đồng. Nhưng nguồn lây ở đâu, lây như thế nào thì rất khó xác định.  

Ông Phu cũng cho biết, theo khuyến cáo của WHO, bệnh nhân chỉ ủ bệnh từ 5-14 ngày. Sau khi một số nước lên tiếng về việc phát hiện bệnh nhân ủ bệnh lâu hơn 14 ngày, WHO đã điều tra và kết luận thời gian ủ bệnh vẫn là 14 ngày. Hiện nay, Bộ Y tế cũng chưa nhận được thay đổi khuyến cáo về thời gian ủ bệnh của WHO.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm