pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh nhân ung thư được hưởng lợi từ những tiến bộ y khoa
Ảnh minh họa
Đây là thông tin được TS.BS Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ trong khuôn khổ Hội nghị khoa học kỹ thuật Hoàn Mỹ năm 2022 với chủ đề "Đổi mới y khoa trong thế giới thay đổi" vừa diễn ra tại TP HCM.
Theo bác sĩ Tuấn Anh, về chẩn đoán, đã có xét nghiệm giải trình tự gene thế hệ mới để có thể tìm được những đột biến gene của người Việt, từ đó tìm thuốc điều trị tốt nhất cho đột biến gene đó. Việc điều trị trúng đích trong ung thư, một phương pháp điều trị mới cũng giúp giảm hoặc thay thay thế hóa trị.
Đồng thời người bệnh ở Việt Nam cũng được hưởng lợi khi được sử dụng các loại thuốc đã được chứng minh có hiệu quả tốt. Trong đó, người bệnh ung thư vú, ung thư phổi… là những người được hưởng lợi lớn từ các tiến bộ kỹ thuật này.
Thời gian sống của bệnh nhân ung thư phổi ngày càng được kéo dài, có những bệnh được điều trị sống hơn 10 năm so với trước đây thường chỉ kéo dài trong một vài năm.
Cũng theo bác sĩ, hiện nay, độ tuổi người mắc bệnh ung thu vú trên thế giới từ 50-60 tuổi. Tại Việt Nam, do người mắc bệnh ung thư vú sớm hơn 5-10 năm so với thế giới nên vấn đề điều trị đòi hỏi phải tích cực hơn do mong đợi của bệnh nhân là rất lớn. Bên cạnh việc điều trị, bệnh viện còn hướng đến hỗ trợ tâm lý, y xã hội, giáo dục nghề nghiệp cho người bệnh.
Mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 183.000 trường hợp mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới, với gần 22.000 trường hợp mắc mới và hơn 9.000 ca tử vong. Hiệp hội Ung thư Mỹ cho biết tỉ lệ sống sót của ung thư vú sau 5 năm lên tới 90%, sau 10 năm là 84% nếu phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn Anh, hiện nay vấn đề bảo hiểm y tế, tài chính vẫn đang là trở ngại đối với nhiều người bệnh ung thư khi họ muốn tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc điều trị tiên tiến.
Hội nghị khoa học kỹ thuật Hoàn Mỹ năm 2022 thu hút gần 500 chuyên gia y tế, các nhà khoa học, đại diện cơ quan quản lý thuộc Bộ Y tế, các nhà quản trị trong và ngoài nước với 20 bài báo các chuyên đề và 60 bài nghiên cứu khoa học.
Ông Dilshaad Ali Bin Abas Ali - thành viên BTC Hội nghị chia sẻ: Sau 3 năm đại dịch Covid-19 diễn ra khắp toàn cầu, ngành y tế đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Điều đó buộc chúng ta phải tìm ra các phương thức mới để thích ứng và liên tục cập nhật các tiến bộ y khoa, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị một cách toàn diện.
"Khoa học đang ngày càng tiến bộ, cùng với đó là sức mạnh phát triển nhanh chóng của các công nghệ đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực y khoa. Vì vậy, ngành y cần phải cập nhật liên tục những kiến thức mới để theo kịp với các đồng nghiệp quốc tế, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu khám chữa bệnh của người dân", ông Dilshaad nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết: Hội nghị tạo điều kiện để các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế cập nhật các kiến thức, nghiên cứu khoa học, công nghệ mới nhất; đồng thời cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi để củng cố, nâng cao kỹ năng chẩn đoán và điều trị, cải tiến chất lượng chuyên môn… mang lợi ích tốt nhất cho người bệnh.