pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bệnh viêm phổi lạ ở Trung Quốc nguy hiểm như thế nào?
Hiện nay, bệnh viêm phổi cấp do virus không xác định đang diễn biến phức tạp tại Vũ Hán (Trung Quốc) làm gần 50 người mắc. Điều đáng lo ngại là các nhà khoa học chưa xác định được loại virus gây bệnh để có hướng điều trị phù hợp.
Nhiều người cho rằng, bệnh viêm phổi cấp ở Trung Quốc có biểu hiện giống bệnh SARS, đã từng gây đại dịch năm 2003 làm 774 người chết.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đây là một hội chứng bệnh có căn nguyên do nhiều virus gây bệnh nguy hiểm, trong đó có virus SARS – Corona gây nên (SARS – CoV). Bệnh có tổn thương nặng ở phổi làm suy hô hấp nhanh. Bệnh nhân đồng thời bị nhiễm độc các cơ quan nội tạng bởi độc tố của virus SARS-Corona.
Từ cuối tháng 02/2003 đến 8/2003, đại dịch SARS đã xảy ra tại 29 nước trên toàn cầu với tổng số 8.098 trường hợp mắc bệnh và 774 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, dịch SARS đã xảy ra từ 26/02/2003 đến 8/4/2003 tại BV Việt Pháp và BV Ninh Bình. Theo đó, người đầu tiên mắc bệnh là một doanh nhân Hồng Kông đến Việt Nam. Bệnh nhân đã ủ bệnh và khởi phát bệnh ngày 26/02/2003. Bệnh nhân vào điều trị tại BV Việt Pháp, từ đây làm lây lan ra hàng chục nhân viên y tế và bệnh nhân trong BV. Một người nhà bệnh nhân tại BV này đã bị phơi nhiễm vào điều trị tại BV Ninh Bình cũng đã làm lây truyền ra một số nhân viên y tế và bệnh nhân ở BV Ninh Bình. Sau 45 ngày tích cực phòng chống, Việt Nam đã là nước đầu tiên trên thế giới kiểm soát thành công dịch bệnh SARS.
Cục Y tế dự phòng cũng cho biết, nguyên nhân gây bệnh là do virus SARS - Corona (SARS - CoV) là một biến thể của Corona virus, thuộc họ Coronaviridae. Khi gây nên bệnh SARS, thực chất Coronavirus đã biến đổi và mang gen độc lực mạnh. Độc tố của SARS - CoV làm liệt cơ co bóp phế nang, hủy hoại mạnh tế bào đường hô hấp, gây rối loạn các men chuyển hoá và làm ngộ độc các cơ quan nội tạng.
Virus SARS - CoV có thể sống sót bên ngoài cơ thể tương đối bền vững, nhất là ở nhiệt độ thấp, thời tiết mát, lạnh. Virus tồn tại 3 - 4 ngày trên các vật liệu thông thường như vải, gỗ, giấy,... lâu hơn vài ngày trong các hạt nước bọt và chất thải của bệnh nhân.
Bệnh nhân có thời gian ủ bệnh từ 2-15 ngày. Trong thời gian đầu, không biểu hiện các dấu hiệu lâm sàng, giai đoạn cuối thời kỳ này có thể sốt nhẹ và viêm nhẹ đường hô hấp trên.
Thời gian toàn phát, bệnh nhân đột ngột sốt trên 38 độ C đến 40 độ C, kéo dài 5 - 15 ngày, rét kèm theo đau, mỏi cơ, đau đầu, mệt mỏi, ho khan, biếng ăn, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy, mạch chậm, rối loạn nhịp tim.
Nguồn gây bệnh từ động vật hoang dã như cầy hương, cầy vòi và có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người do các giọt bắn cực nhỏ qua đường hô hấp (ho, hắt hơi, nói, giao tiếp gần). Người tiếp xúc với bệnh nhân có thể nhiễm bệnh qua các chất thải, dịch đờm dãi, dịch đường tiêu hoá từ bệnh nhân. Ngoài ra, có thể mắc bệnh gián tiếp qua các vật dụng, tay nắm cửa, khăn lau cá nhân từ người đang mắc bệnh.
SARS - CoV sau khi xâm nhập vào cơ thể để lại các đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào. Tuy nhiên, mức đáp ứng miễn dịch đặc hiệu này thấp và không lâu bền. Các nghiên cứu về miễn dịch học thời gian sau nhiễm SARS cho thấy không còn mức độ kháng thể miễn dịch nào đáng kể được tạo ra. Hiện trên thế giới chưa có công bố về việc đã nghiên cứu và sản xuất được vaccine phòng bệnh SARS.
Để phòng bệnh SARS, người dân cần giữ vệ sinh chung và cá nhân, trọng tâm phòng các hội chứng bệnh hô hấp cấp tính; tổ chức và thực hiện kiểm dịch biên giới chặt chẽ (sân bay, cửa khẩu, hải cảng), đặc biệt theo dõi tình hình dịch bệnh ở các nước có biên giới liền kề. Thực hiện nghiêm ngặt cách ly (quarantine) một khi có dấu hiệu các bệnh thuộc quy định trong Luật kiểm dịch các bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới.