Ít ai ngờ, xơ mướp là thứ bỏ đi đầy rẫy ở những miền quê nghèo lại được cô gái Nguyễn Thị Huyền “hô biến” thành vật liệu đáng giá để làm nên món hàng kinh doanh giá trị. Cô tốt nghiệp thạc sỹ ngành Phát triển quốc tế học, tập trung vào phát triển môi tường bền vững tại đại học Chulalongkorn, Thái Lan. Cô đã có khoảng 7 năm kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển cộng đồng và môi trường, trong đó có 3 năm tham gia phát triển dự án “Xây dựng năng lực cho thanh thiếu niên yếu thế người dân tộc” tại Hà Giang. Sau khi tốt nghiệp, cô trở về Việt Nam và tập trung phát triển EVOL- doanh nghiệp xã hội tập trung vào 2 mục tiêu môi trường và thanh thiếu niên.
Nông trại của cô tại Vũng Tàu rộng khoảng 2.000m2 phần lớn diện tích để trồng mướp. Điều kỳ lạ là mướp trồng thu hoạch rất muộn và để càng già càng tốt. Những trái mướp già sẽ cho xơ mướp là nguyên liệu tạo thành những chiếc vỏ bọc cách nhiệt xinh xắn hay miếng lót, món quà tặng dễ thương. Các sản phẩm đang được đưa ra thị trường hiện nay tập trung vào mục đích giáo dục và quà tặng
Ý tưởng khởi nghiệp bằng xơ mướp của Huyền ra đời từ sự tìm kiếm sản phẩm thay thế cho những sản phẩm thân thiện môi trường và giải quyết câu chuyện phế phẩm nông nghiệp địa phương. Bản thân cô cũng thích và có duyên với mướp. Tháng 3/2019, cô bắt đầu thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp từ xơ mướp. Đến nay mô hình đang trong giai đoạn đầu nhưng đã có được những đơn đặt hàng ổn định tại một số quán ăn, nhà hàng, khách sạn tại TP. Vũng Tàu, Thái Lan… Các sản phẩm của Huyền còn tham dự triển lãm tại TPHCM và các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia, Brunei và được đánh giá cao.
Nói về sản phẩm của mình, cô cho biết: Xơ mướp có độ đàn hồi cao, kết cấu tốt với các thớ xơ chạy ngang dọc. Xơ mướp không bị mốc, mối, mọt và có khả năng chịu nhiệt cao. Tuy nhiên, chất liệu này lại không dễ định hình theo ý muốn nên cô đã mất nhiều công nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý để cho ra sản phẩm đúng ý muốn. Cô đã tìm ra bí quyết là ép xơ mướp thành từng tấm rồi cắt thành từng miếng để dễ dàng sáng tạo.
Mỗi loại sản phẩm sẽ có một số bước khác nhau, tuy nhiên đều chung ở các bước như loại bỏ vỏ, hạt, rửa, phơi, cắt, nhuộm, chọn xơ để phù hợp với đặc tính từng loại sản phẩm, may hoặc chế tác.
Để đưa được các mặt hàng xơ mướp vào thị trường, lúc đầu chị Huyền gặp không ít khó khăn. Với số vốn ít ỏi, không đủ tiền thuê nhân công cộng với kinh nghiệm chưa đủ nhiều nên cô phải làm lại nhiều lần. Chị Huyền cho biết thêm: “Lúc mới bắt đầu, mình chưa hiểu rõ cách chọn xơ cho đúng dòng sản phẩm, nên sản phẩm làm ra không ưng ý, phải bỏ đi làm lại nhiều lần. Rồi khó khăn trong việc tìm đến các cô, các chị ở địa phương để may tạo sản phẩm theo yêu cầu của mình với mức giá của một doanh nghiệp khởi nghiệp. Khi đơn hàng tăng, việc tìm vùng nguyên liệu trồng mướp sạch theo yêu cầu của mình cũng là điều không dễ dàng”.
Khó khăn là vậy nhưng với mong muốn tạo ra sự khác biệt cho trái mướp của làng quê Việt Nam cộng với tâm huyết và nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Huyền đã không dừng lại. Hiện nay, mô hình đang trong giai đoạn dò tìm thị trường và nhu cầu khách hàng, trung bình mỗi tháng EVOL bán được khoảng 250- 300 sản phẩm.
“Mỗi sản phẩm có ưu và khuyết điểm riêng và mỗi nguyên liệu làm ra sản phẩm mang một giá trị riêng của chính nó và của chủ nhân làm ra sản phẩm đó. Mình tin rằng mỗi sản phẩm sẽ có một lộ trình đi của riêng. Xơ mướp của mình có sự khác biệt là mang giá trị giáo dục và môi trường. Mình hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ người dùng”, chị Huyền chia sẻ.
“Hãy cứ khởi nghiệp! Khi sự khảo sát đã đủ, khi đam mê đã đầy lồng ngực và khi niềm tin đã đến thì hãy cứ hành động. Khởi nghiệp dạy bạn nhiều hơn những gì bạn có thể tưởng tượng, đó là một trong những cách hay nhất và hiệu quả nhất giúp bạn trưởng thành”, chị Huyền đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ khởi nghiệp ở lĩnh vực môi trường. |