pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bình đẳng giới trong thương mại ở Mỹ Latinh: Phụ nữ còn ít cơ hội

Các công ty do phụ nữ lãnh đạo ở Mỹ Latinh có xu hướng nhỏ hơn các công ty do nam giới lãnh đạo
Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về Thương mại và Giới xem xét sự tham gia của phụ nữ vào thương mại tại 7 quốc gia Mỹ Latinh (Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Mexico và Peru) vừa cho thấy: Phụ nữ tham gia ít hơn nam giới trong các công việc liên quan đến thương mại, đồng thời khoảng cách giới vẫn duy trì đáng kể theo thời gian.
Phụ nữ tham gia các công việc phụ thuộc vào xuất khẩu ít hơn nam giới tới 40%. Điều này phần lớn là do sự phân biệt nghề nghiệp, trong đó phụ nữ thường làm việc trong các lĩnh vực ít mang tính thương mại như y tế, giáo dục, hành chính công và "các dịch vụ khác" - chủ yếu là các dịch vụ cá nhân trực tiếp như thẩm mỹ viện và chăm sóc trẻ em và người già. Vì các công việc liên quan đến thương mại được trả lương cao hơn, năng suất cao hơn và có nhiều khả năng thuộc khu vực chính thức hơn so với các công việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ cho thị trường trong nước, nên sự phân biệt nghề nghiệp nêu trên có nghĩa là phụ nữ ít được hưởng lợi từ những lợi thế và mức lương cao mà các công việc liên quan đến thương mại mang lại.
Tham gia thương mại quốc tế giúp cải thiện hiệu suất doanh nghiệp. Tuy vậy, phụ nữ ít có cơ hội lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời các doanh nghiệp do họ lãnh đạo cũng ít có khả năng thương mại hơn so với nam giới. Chỉ 10% doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tham gia vào thương mại quốc tế tại bảy quốc gia Mỹ Latinh được khảo sát, so với 14% doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo. Cả doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo và doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo ở Mỹ Latinh đều xuất khẩu ít hơn so với các doanh nghiệp cùng loại trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhiều nữ lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ phải đối mặt với khó khăn trong thương mại quốc tế như tiếp cận tài chính (việc đảm bảo tài chính cho các hoạt động hàng ngày là một thách thức lớn hơn so với các đối tác nam), thiếu hiểu biết về thị trường nước ngoài, chi phí cao trong tiếp cận internet… Các doanh nghiệp do nam giới lãnh đạo, dù là chính thức hay phi chính thức, đều có xu hướng xuất khẩu cao hơn so với các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Vì lợi ích tiềm năng từ thương mại có thể là động lực để các công ty chính thức hóa, nên các chương trình khuyến khích chính thức hóa có thể được kết hợp với các nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ các công ty hướng tới sự sẵn sàng xuất khẩu.
Phụ nữ làm việc và lãnh đạo các doanh nghiệp phần lớn trong lĩnh vực dịch vụ. Các rào cản đối với thương mại dịch vụ có thể làm tăng chi phí của các dịch vụ này, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp - cả do phụ nữ và nam giới lãnh đạo - ở các cấp độ sâu hơn trong chuỗi giá trị.
Các công ty do phụ nữ lãnh đạo cũng có xu hướng nhỏ hơn các công ty do nam giới lãnh đạo, do đó bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bởi các quy trình hành chính rườm rà, không minh bạch và kéo dài tại biên giới. Thương mại tác động đến người tiêu dùng bằng cách hạ giá và tăng sự đa dạng của hàng hóa. Ở Mỹ Latinh cũng như những nơi khác, các hộ gia đình có thu nhập thấp được hưởng lợi không cân xứng từ việc giảm thuế nhập khẩu; trên thực tế, các hộ gia đình ở nhóm thu nhập thấp nhất bị mất sức mua gấp đôi so với các hộ gia đình ở nhóm thu nhập cao nhất do giá cả tăng bởi thuế quan.
Các quốc gia Mỹ Latinh đã dẫn đầu các khu vực khác trong việc đưa các chương riêng về giới và các điều khoản liên quan đến giới vào các hiệp định thương mại của họ kể từ năm 2016 (khi Chile-Uruguay là hiệp định thương mại đầu tiên bao gồm một chương về giới). Trong số 87 hiệp định thương mại được ký kết bởi Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Costa Rica, Mexico và Peru, 40 hiệp định có các điều khoản rõ ràng về giới. Tất cả các quốc gia được đề cập trong Đánh giá này đều đã tham gia Thỏa thuận Thương mại và Giới Toàn cầu (GTAGA), một thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện đối với thương mại quốc tế, xóa bỏ rào cản mà phụ nữ phải đối mặt khi tiếp cận các cơ hội thương mại và tăng số lượng nữ doanh nhân trong thương mại. GTAGA là một sáng kiến mang tính đột phá, vừa mang tính đổi mới vừa toàn diện về phạm vi, và hướng mạnh đến việc cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội thương mại của phụ nữ.
Phần cuối cùng của Đánh giá này đề xuất các lĩnh vực cải cách chính sách để hỗ trợ tốt hơn cho bình đẳng giới trong thương mại. Chúng bao gồm luật pháp và chính sách nhằm thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới, bảo vệ người lao động khỏi quấy rối tình dục, khuyến khích báo cáo về cân bằng giới trong hội đồng quản trị công ty và ban quản lý cấp cao, đảm bảo tiếp cận tài chính và giảm chi phí tiếp cận các mạng lưới và dịch vụ kỹ thuật số. Việc đảm bảo khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà phụ nữ ít có khả năng tiếp cận trong bối cảnh giờ làm việc dài và chênh lệch giới lớn trong công việc không được trả lương… cũng được nhấn mạnh.
Việc giải quyết tệ nạn bạo lực trên cơ sở giới sẽ là cần thiết để đảm bảo một bối cảnh mà phụ nữ có thể phát triển mạnh ở Mỹ Latinh và có thể tận dụng các cơ hội kinh tế, bao gồm cả thông qua thương mại. Kết hợp và thực hiện các điều khoản liên quan đến giới trong các hiệp định thương mại; hỗ trợ hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; đảm bảo tiếp cận thị trường cho hàng hóa và dịch vụ mà phụ nữ sản xuất và tiêu dùng; đảm bảo tính nhất quán giữa các lĩnh vực chính sách cũng như tháo bỏ các rào cản pháp lý, quy định và cấu trúc loại trừ phụ nữ khỏi thị trường lao động và tiếp cận tài chính. Có như vâỵ, phụ nữ ở Mỹ Latinh sẽ được chia sẻ lợi ích từ thương mại và góp phần làm cho khu vực thịnh vượng, an toàn và đáng mơ ước hơn để sống và làm việc.