pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bình Định: Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp “Gắn sản phẩm OCOP với kinh tế số và phát triển xanh”
Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp “Gắn sản phẩm OCOP với kinh tế số và phát triển xanh” trưng bày nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP
Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022, bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Bình Định, cho biết: Năm nay là năm thứ 3 Hội LHPN tỉnh Bình Định tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp. Đây là dịp để giới thiệu những thành tựu khoa học và công nghệ, đồng thời cũng là nơi đẩy mạnh liên kết Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối các chủ thể Hệ sinh thái, giới thiệu các dự án ứng dụng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công tại tỉnh Bình Định. Thông qua Ngày hội nhằm truyền cảm hứng thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.
Bà Đặng Thị Hồng Hạnh cho biết, hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đang là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Bình Định, nếu biết tận dụng lợi thế và thời cơ nhằm mở rộng và tăng cường đưa sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đến với người tiêu dùng. Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đã có nhiều giải pháp trong việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử và các mạng xã hội…, gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn…
Đặc biệt, tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp năm 2022, Hội LHPN tỉnh Bình Định đã tổ chức trao kinh phí hỗ trợ sinh kế cho chị em các huyện, thị xã, thành phố vùng biển. Đây là chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, biển - đảo" . Theo đó, chương trình gồm có 10 suất kinh phí được trao cho phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố: Quy Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn.
Ngày hội đã trưng bày 20 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hội viên Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Tại Ngày hội, chuyên gia đã chia sẻ nội dung "Kết nối mạng lưới, chuyển đổi số với các sản phẩm truyền thống đặc sản, nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP" nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các cơ sở quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Thông qua đó giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, thích ứng với thời đại công nghệ số hiện nay.