pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bố chồng hay xét nét, nói xấu con dâu trước mặt họ hàng
Em đã rất cố gắng để thích nghi với gia đình chồng, đặc biệt là bố chồng. Nhưng chưa khi nào thấy ông hài lòng về em. Ảnh minh hoạ
Chị Thanh Tâm kính mến!
"Em là Thu Huệ, 22 tuổi. Em vừa tốt nghiệp ra trường thì ngay lập tức bập vào hôn nhân, nên nhiều điều còn bỡ ngỡ. Em càng bỡ ngỡ hơn khi không phải "làm dâu mẹ chồng" mà lại là "làm dâu bố chồng". Bởi vậy những kinh nghiệm "làm dâu mẹ chồng" tích lũy qua nhiều câu chuyện của cô bác, chị em đã không sử dụng được, mà thực tế khiến em hoang mang.
Mẹ chồng em rất tâm lý, hiền hậu. Từ khi về nhà chồng, mẹ em chăm sóc và quan tâm em như mẹ đẻ. Em không có cảm giác "người ngoài" như mấy chị truyền tai nhau. Nếu em đi làm về mệt, mẹ sẵn sàng hỗ trợ em nấu cơm, để em đi tắm rửa cho thoải mái. Nếu hôm nào em bận việc, mẹ sẽ nói: "Để bát đấy mẹ rửa cho, cứ đi làm đi!". Em đã nhiều lần phải nói với chồng, em rất biết ơn và yêu quý mẹ. Tuy nhiên, mẹ chồng càng quan tâm em bao nhiêu thì càng khiến bố chồng "ngứa mắt".
Em là người ít nói, không phải câu chuyện gì cũng có thể bắt nhịp được. Hơn nữa, từ trước tới giờ, em sống cũng khá thoải mái. Nếu không thích điều gì, em sẽ không làm dù ai có nói gì. Điều này khiến bố chồng em rất ghét. Ông muốn có 1 cô con dâu khéo léo, đảm đang việc nhà, giỏi việc cơ quan, không chỉ biết kiếm tiền mà còn biết nấu nướng bếp núc, quét dọn nhà cửa sạch sẽ và tiết kiệm cho gia đình. Hơn nữa, phải biết chào to, nói lớn, tiếp mọi chuyện cùng ông. Em tự nhận thấy, tiêu chuẩn của ông vượt quá khả năng của em, nên em chỉ biết im lặng cho yên cửa yên nhà. Nhưng chị Thanh Tâm ạ, em không nói, bố lại bảo: "Mày dám khinh tao à, tao là bố chồng mày đấy!".
Em chưa thể tưởng tượng được 1 ngày, người gọi giục em dậy sớm và yêu cầu nấu bữa sáng cho gia đình không phải mẹ chồng mà là bố chồng: "Có đứa con dâu nào 7h sáng rồi chưa ngủ dậy để chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà không?". Nếu em có nhỡ chào nhỏ tiếng, bố chồng sẽ lập tức mắng: "Bố đi về mà không biết mở mồm ra mà chào. Mày không biết quan tâm mọi người là như thế nào à?"... Không dừng lại ở đấy, bố còn mắng cả mẹ: "Bà không biết dạy con dâu, nó như vậy mà cũng chịu được. Bà là mẹ nó hay con dâu của nó mà cứ suốt ngày phải nịnh nọt, chiều nó như thế. Ngu ơi là ngu!". Những câu nói rất tổn thương mẹ, em không chịu được đã đứng dậy bênh mẹ chồng. Vậy là cả 2 bị mắng té tát.
Bố chồng em để ý từng việc nhỏ tí xíu, ví dụ: Bật bình nóng lạnh chỉ bật 5 phút rồi tắt đi luôn, giục cả nhà vào tắm hết cùng lúc cho tiết kiệm, nếu bật quá thời gian là bị mắng "không biết tiết kiệm điện". Nhưng nếu hôm nào bố là người tắm cuối cùng, hết nước nóng phải dính mấy giọt nước lạnh, bố sẽ quát lên: "Mẹ con bà không biết tiết kiệm nước, làm tôi phải tắm nước lạnh". Tiếp theo, nếu luộc rau thì chỉ cần cho rau vào, nước sôi, trở rau xong sẽ tắt bếp đi ngâm rau luôn cho tiết kiệm điện. Nếu rau hôm nào hơi già thì còn chưa kịp chín. Nhiều ví dụ nữa chị Thanh Tâm ạ, dù em làm thế nào vẫn bị bố chồng mắng.
Em đã rất cố gắng để thích nghi với gia đình chồng, đặc biệt là bố chồng. Nhưng chưa khi nào thấy bố hài lòng về em. Thậm chí, bố hay lôi kéo chồng và mắng anh ấy "không biết dạy vợ", khiến cho đôi khi vợ chồng em lại cãi nhau. Đặc biệt, dù 2 vợ chồng đang rất vui vẻ nhưng có thể "sứt đầu mẻ trán" ngay nếu nhắc tới bố chồng.
Hôm trước cả nhà đi ăn giỗ, trước mặt bao nhiêu họ hàng, bố chồng em lại nói xấu em, nào thì vụng về, ăn nói kém, không chu đáo lại rất hoang phí... Em chẳng biết giấu mặt đi đâu nữa, trong lòng vừa ấm ức vừa tức giận. Nhiều lần em gợi ý với chồng xin ra ở riêng nhưng anh ấy là con một, bố mẹ chồng cũng đã có tuổi nên chồng em không đồng ý. Chị Thanh Tâm ơi, với tình hình này, khéo em phải li dị mất. Chị giúp em với".
Em Thu Hà (Duy Tiên, Hà Nam)
Em Thu Hà thân mến!
Đúng là, trong cuộc sống, đôi khi có nhiều điều bất ngờ khiến chúng ta không kịp trở tay. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Thanh Tâm đều tin chúng ta sẽ có cách giải quyết tốt đẹp.
Bố chồng cô ấy là một người rất kĩ tính và tiết kiệm, có thể do ông đã có tuổi và không còn khả năng lao động kiếm tiền nên các chi phí hàng ngày khiến ông lo lắng. Hai vợ chồng tập trung làm việc tốt để có điều kiện chăm sóc, lo cho ông bà hơn, có thể sẽ khiến cải thiện được tình hình.
Còn những điều ông góp ý như chào hỏi lễ phép, tâm sự, chia sẻ cùng ông bà, nếu cô thay đổi được cũng là một cách hay. Tuổi già thường buồn và cô đơn, nên ông muốn có người bầu bạn, con cháu chia sẻ cũng rất dễ hiểu. Cô thử thay đổi 1 chút về cách sống của bản thân, có khi không khí gia đình cải thiện còn hơn cả cô mong đợi.
Đôi khi, tạm đặt những khó chịu của mình sang một bên để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của sự việc, hiểu được vấn đề đằng sau những xét nét, khó chịu của bố chồng, lại gỡ được những nút thắt một cách dễ dàng.