Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về

Khánh Linh
27/01/2020 - 15:10
Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về

Tết năm nào cũng vậy, khi mọi gia đình quây quần bên nhau, cùng sẻ chia cái Tết đầm ấm, hạnh phúc xum vầy, thì với bộ đội biên phòng Tả Gia Khâu lại bắt đầu những ngày Tết “3 cùng”: ăn, ngủ, sinh hoạt, vui chơi cùng bà con dân bản như cuộc nối vòng tay lớn thật chặt, gắn kết cùng bà con bảo vệ vững chắc vùng phên giậu biên cương Tổ Quốc vào mỗi dịp xuân về.

Tết năm nào cũng vậy, khi mọi gia đình quây quần bên nhau, cùng sẻ chia cái Tết đầm ấm, hạnh phúc sum vầy, thì với bộ đội biên phòng Tả Gia Khâu lại bắt đầu những ngày Tết “3 cùng”: Ăn, ngủ, sinh hoạt, vui chơi cùng bà con dân bản như cuộc nối vòng tay lớn thật chặt, gắn kết cùng bà con bảo vệ vững chắc vùng phên giậu biên cương Tổ quốc vào mỗi dịp xuân về.

Gạt nỗi nhớ vợ con sang một bên để vui xuân cùng bà con dân bản

Những ngày đầu năm mới, khi các vùng miền cả nước rộn ràng không khí đón Xuân vào nhà, sum họp gia đình bên nhau thì ở Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) vẫn khá yên ả với những nhiệm vụ chính trị, xã hội mỗi ngày của cán bộ, chiến sỹ trong Đồn. Thượng tá Phan Đức Mạnh và Đồn trưởng Khổng Hữu Huân trong giây phút nghỉ giải lao đã bàn bạc, ngắm nghía vườn hoa và những cánh đào phai đã nở rực rỡ trước cửa phòng chỉ huy Đồn.

Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về - Ảnh 1.

Đường lên biên giới Tả Gia Khâu

Chính trị viên Phan Đức Mạnh cho biết: Từ ngày 27, 28 Tết là anh em chiến sỹ ở Đồn mổ lợn, gói bánh trưng, không khí rộn rã lắm. Ngồi bên những nồi bánh trưng thơm nồng, rất nhiều câu chuyện gia đình, mẹ già, kỷ niệm ăn Tết với gia đình lại ùa với với các chiến sỹ. Có nghẹn ngào, có những nụ cười đầy nước mắt, nhưng ngọn lửa nấu nồi bánh chưng vẫn bừng cháy, ấm áp, cũng là nhiệm vụ các các chiến sỹ biên phòng đã đảm nhận. Giấu trong nỗi niềm nhớ nhà là hạnh phúc ấm áp của các chiến sỹ, khi những chiếc bánh chưng này được đem đến trao tặng cho các em học sinh nghèo ở các trường học đóng trên địa bàn. Thường là mỗi gia đình nghèo được 2 cái bánh chưng của Đồn biên phòng tặng.

Những chiếc bánh chưng đậm tình người của bộ đội biên phòng cũng được trao cho những người con nuôi của Đồn, gia đình các bé được Đồn hỗ trợ trong chương trình "nâng bước em đến trường". Ngoài bánh chưng, các gia đình này còn được nhận thêm gói quà Tết trị giá 500 nghìn đồng của Đồn trao tặng.

Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về - Ảnh 2.

Bóng áo xanh biên phòng cứ xuất hiện ở đâu, là ở đó bà con dân bản yên tâm ăn Tết, tăng gia sản xuất, phát triển cuộc sống

Không khí Tết cứ thế rộn rã, lan toả, Đoàn thanh niên xã Dìn Chin và xã Tả Gia Khâu cũng đến Đồn cùng vui xuân với các chiến sỹ trong Đồn. "Bao giờ Đồn cũng đón Giao thừa sớm hơn bà con dân bản, chừng 22h đêm là mọi hoạt động đón giao thừa ở Đồn kết thúc. Sau đó, các cán bộ, chiến sỹ phân công nhau đến xã chúc Tết các đoàn thể trên địa bàn, rồi chia nhau đến nhà bà con thôn bản đón năm mới cùng bà con đến sáng ngày Mùng Một. 

"Với hơn một nghìn hộ dân trên địa bàn, chúng tôi phải đảm bảo anh em không bỏ sót bất cứ hộ dân nào là không có mặt cán bộ, chiến sỹ biên phòng đến chúc Tết, chia vui năm mới với bà con. Chúng tôi thường chỉ gọi điện thoại hoặc nhắn tin về chúc Tết vợ con, cha mẹ ở nhà, để rồi giao thừa và những ngày đầu năm mới, chúng tôi dành toàn bộ thời gian ăn Tết với bà con dân bản, đành gạt nỗi nhớ nhà sang một bên để hoàn thành nhiệm vụ" – Thượng tá Phan Đức Mạnh cho biết.

Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về - Ảnh 3.

Với hơn một nghìn hộ dân trên địa bàn, các cán bộ, chiến sỹ phải đảm bảo anh em không bỏ sót bất cứ hộ dân nào là không có mặt cán bộ, chiến sỹ biên phòng đến chúc Tết, chia vui năm mới với bà con

"Thường chúng tôi đón Giao thừa với bà con dân bản từ đêm 30 Tết. Nhiều cán bộ, chiến sỹ bám thôn bản cùng bà con vài ngày Tết, đi hết 17 thôn bản của các xã trên địa bàn thì chúng tôi mới xong nhiệm vụ" – chính trị viên Phan Đức Mạnh chia sẻ. "Để với bớt nỗi nhớ nhà, chúng tôi nhắc các anh em, chiến sỹ nào nhớ nhà thì cứ lên phòng Hồ Chí Minh thắp hương, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình, nhắn gửi người thân trong mùi khói hương hoà quyện với những cánh đào phai bung nở vùng biên cương này".

Ngày mùng Một, mùng Hai Tết, các đoàn thể ở xã, địa phương cùng bà con dân bản lại đến Đồn chúc Tết cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Bà con đến mừng tuổi cho chiến sỹ thường là cặp bánh dầy do bà con tự làm còn thơm mùi lúa mới. Anh em đóng ở các Tổ công tác biên phòng cũng có nhiệm vụ vào các nhà dân gần đó chúc Tết. 

Thường thì tết ở Tổ công tác vui hơn ở Đồn, vì ăn Tết địa bàn với bà con dân bản đã gắn kết nhiều năm, như ngày được về nhà sum họp. Cùng người dân vui chơi Tết, thanh niên tổ chức các trò chơi đánh quay, tung còn, văn nghệ ở những bãi đất trống. Những chiếc bảng học sinh lúc này nghỉ Tết lại làm công dụng để trẻ em đánh bóng bàn.

Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về - Ảnh 4.

Không ít người dân nghèo ở xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu đã ấm áp hơn khi được bộ đội biên phòng giúp trồng cây, nuôi các con vật có lãi, ổn định cuộc sống

"Dù khó đến đâu, đã là bộ đội biên phòng, phải vượt qua được hết"

Trong bữa cơm đậm chất biên cương với Tổ công tác ở thôn Lao Tô Chải, xã Tả Gia Khâu, thiếu tá Tống Hồng Vân và Trung uý Hoàng Văn Dũng chỉ có món rau rừng, măng rừng và gà nuôi, nhưng đậm đà dư vị. Dẫu công tác và gắn bó ở địa bàn khó khăn, hiểm trở, nhưng chàng Thiếu tá Tống Hồng Vân rất thông thạo tiếng Trung, anh nhiều lần được tỉnh Lào Cai nhờ ra phiên dịch giúp khi có đoàn khách Trung Quốc quan trọng tới làm việc ở tỉnh nhà. Chàng trai người Hà Nội cười tươi: "Là bộ đội biên phòng, mình phải giỏi tiếng Trung để biết và hiểu hết những gì phía bạn nói và làm đúng hoặc còn chưa đúng, để còn có cách xử lý và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về - Ảnh 5.

Trên đường tuần tra biên giới

Đã nhiều năm đóng quân ở vùng biên này, Tết năm nay Vân cũng vẫn ăn Tết với bà con dân bản: "Hồi đầu Tết phải xa nhà, tôi cũng buồn và nhớ nhà, nhưng bây giờ chúng tôi ăn Tết với bà con, vui Xuân với bà con cũng quen rồi, vì nhiệm vụ nên người lính biên phòng đều phải cắm bản cùng bà con giữ vững biên giới. Ăn Tết với bà con cũng vui và cảm động lắm".

Gia đình anh Giàng Ngấn Sáng và vợ là chị Giàng Tờ Dính, dân tộc Phù Lá, thôn Lao Tô Chải, xã Tả Gia Khâu vui cười đón khách đến thăm nhà. Gương mặt vợ chồng anh Sáng hạnh phúc: "Cứ có cán bộ biên phòng đến nhà, hay ai đến chơi nhà ngày Tết, ngày thường gia đình tôi cũng đều thấy vui". Chồng chị Dính – anh Giàng Ngấn Sáng đã 7 năm là trưởng thôn Lao Tô Chải, chị Dính tự hào: "Có chồng làm công tác thôn tôi vui lắm, được bà con ủng hộ, chồng càng làm việc cho bà con lâu, nhà tôi càng hạnh phúc vì được đóng góp cho xã hội". Nhà chị có 2 con trai, 9 tuổi và 6 tuổi, vợ chồng chị  cùng chăm sóc nuôi 2 con bò, trồng ngô, nuôi gà nên cũng đủ ăn.

 

Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về - Ảnh 6.

Dù khó đến đâu, đã là bộ đội biên phòng, phải vượt qua được hết

Không ít người dân nghèo ở xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu đã ấm áp hơn khi được bộ đội biên phòng giúp trồng cây, nuôi các con vật có lãi, ổn định cuộc sống. Đó cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi mới tờ mờ sáng ngày mùng Một Tết, 3 mẹ con chị Giàng Seo Dúa, thôn Sín Chải A, xã Dìn Chin dắt tay nhau với bộ quần áo dân tộc Mông rất đẹp xách cặp bánh dầy đến Đồn biên phòng chúc Tết những người "bố nuôi" của 2 cậu con trai mình là Ma Seo Khoa (2008) và Ma Seo Xuyên (2009).

Là Đồn biên phòng khó khăn nhất ở tuyến huyện Mường Khương, Lào Cai, Đồn trưởng Khổng Hữu Huân tâm sự: "Khó khăn còn rất nhiều với anh em chúng tôi, do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, nên năm nào nơi này cũng hạn hán kéo dài khoảng 4 tháng. Gần đây, chúng tôi khắc phục một phần khó khăn này bằng việc xây các bể nước ngầm chứa nước mưa. Tất cả dưới mặt sân bê tông này, đều là bể chứa nước mưa, để giảm bớt khó khăn về nước cho mùa khô" – Đồn trưởng Huân cười và chỉ xuống dưới chân mình, những tấm bê tông chắc chắn ghép lại, nhưng ở dưới là những bể nước ngầm dự trữ của Đồn.

Dẫu vậy vào thời kỳ hạn hán kéo dài, Đồn vẫn phải tiết kiệm nước. Anh em chiến sỹ sau một ngày lao động, tập luyện vất vả lại phải đi cách xa Đồn khoảng 3 km để tắm và giặt. Nước ở Đồn dùng rửa tiết kiệm và còn lại để tưới cây trong Đồn. Dẫn tôi đi qua một mỏ nước mà các anh em chiến sỹ Đồn vẫn phải đến xếp hàng tắm, giặt, tôi ngỡ ngàng, bởi nó chỉ là 1 vòi nước nhỏ bằng ngón chân cái được kéo từ trên núi cao xuống. Mỗi khi có bà con đến cùng sử dụng vòi nước này, bộ đội biên phòng đều phải nhường bà con xong mới đến lượt mình.

Anh Hoàng Trọng Lưu, y sỹ ở Trạm y tế xã Dìn Chin cho biết: "Địa bàn khó khăn, nếu tính bán kính xung quanh đến 4 xã cũng không có một hiệu thuốc nào bán, thành thử bà con cứ ốm là đến Trạm, nhưng Trạm chỉ được khám và cấp thuốc theo BHYT, bà con nào không có BHYT thì chúng tôi đành bảo bà con đến Đồn biên phòng xin thuốc dùng. Nhóm thuốc ở Trạm thì đầy đủ, nhưng số lượng ít, thành ra cứ thiếu món gì, bà con lại tìm đến Đồn biên phòng để được giúp đỡ".

Bộ đội biên phòng “3 cùng” với dân bản khi Xuân về - Ảnh 7.

Mùa xuân biên giới chưa bao giờ lạnh, mà trái lại rất ấm áp, yên vui

Khi tôi quyết tâm xin được đi tuần tra cột mốc giới của Đồn, các anh chỉ huy Đồn ái ngại, vì đường đi hiểm trở, vất vả. Nhiều lần cứ chuẩn bị lên đường, trời lại đổ mưa rừng. Với tôi, chỉ có một lần thử nghiệm trên cung đường dốc đá thẳng đứng, vừa đi, vừa bò, leo trèo cả chục km, nhưng bên tôi có cá chiến sỹ biên phòng, nên tôi cũng vững tâm hơn. Tôi rất cảm phục các chiến sỹ biên phòng, vì với họ, đó là công việc hàng ngày và không ít người còn làm nhiệm vụ đó hàng chục năm.

Dẫu vẫn còn đó những khó khăn, vất vả, nhưng khi vượt qua những đỉnh dốc dựng đứng, lởm chởm đá hộc, đá hòn, đôi mắt chàng đội trưởng đội tuần tra tên Trường, quê ở Nam Định vẫn hấp háy niềm tự hào: "Em làm bộ đội biên phòng gần 20 năm, những cung đường thế này đi cũng quen rồi. Quan trọng là dù khó đến đâu, đã là bộ đội biên phòng, phải vượt qua được hết".

Giữa rừng núi rậm rạp, trước khi chào cột mốc, các chiến sỹ cẩn thận nhặt cây cỏ mọc len xung quanh cột mốc, lau chùi sạch sẽ, tôi cảm nhận niềm tự hào khi đứng bên cột mốc giới lúc này. Bóng áo xanh biên phòng cứ xuất hiện ở đâu, là ở đó bà con dân bản yên tâm ăn Tết, yên tâm tăng gia sản xuất, phát triển cuộc sống. Còn các anh, gác lại tất cả nỗi nhớ gia đình, cha mẹ già, vợ con sang một bên để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ở vùng biên giới. Mùa xuân biên giới chưa bao giờ lạnh, mà trái lại rất ấm áp, yên vui.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm