Bộ đội biên phòng sẵn sàng ăn Tết thứ 2 tại chốt chống dịch

Bà và ảnh: Khánh Linh
30/01/2021 - 17:15
Bộ đội biên phòng sẵn sàng ăn Tết thứ 2 tại chốt chống dịch

Các chiến sỹ ở chốt chống dịch bản Cột Mốc, xã Tân Xuân (Vân Hồ, Sơn La) nguyện thức cho dân ngủ

“Chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ chống dịch ở giai đoạn cấp bách và sẵn sàng ăn cái Tết thứ hai tại chốt chống dịch” - Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu (Sơn La) Sa Trọng Thời khẳng định chắc nịch khi dịch Covid-19 một lần nữa xuất hiện ở nước ta đúng những ngày áp Tết.

Vợ sinh con vẫn không rời vị trí trực chốt

Đêm cuối năm, con đường quanh co tiến sâu vào rừng, sát với đường biên giới nước Lào dẫn chúng tôi đến chốt chống dịch Bản Cột Mốc, xã Tân Xuân, Đồn biên phòng Chiềng Sơn (Sơn La). Chốt trưởng Nguyễn Thế Cường, quê gốc Hưng Yên, anh sinh ra và lớn lên ở Sơn La đón chúng tôi với nụ cười tươi: "Chốt này của chúng tôi được dựng từ tháng 2/2020. Đây là điểm trọng yếu, có đường mòn đi sang Lào rất tiện. Vì vậy bộ đội biên phòng phải chốt chặn và tuyên truyền cho bà con có thân tộc ở bên đó không qua lại thăm thân trong thời điểm có dịch bệnh. Ngay lúc cao điểm chống dịch, bà con ở đây cũng nghiêm chỉnh chấp hành".

Bộ đội biên phòng sẵn sàng ăn cái Tết thứ 2 tại chốt chống dịch  - Ảnh 1.

Chốt chống dịch bản Cột Mốc, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ canh gác, tuần tra nghiêm ngặt đường mòn, lối mở

Giữa màn đêm tĩnh mịch ở vùng biên, căn phòng ngủ của các chiến sỹ được lợp tôn tối om, lấp loáng qua ánh đèn pin là 3 chiếc giường kê sát vào nhau. Phía sau góc chốt là bể nước được bộ đội sáng tạo bằng cách đào hố, lót nilon để làm chỗ chứa nước sinh hoạt. Anh Cường bảo: "Ở đây không có điện, anh em chúng tôi duy trì bóng đèn duy nhất để gác chốt bên ngoài và làm nhiệm vụ cho bà con khai báo y tế".

Chốt trưởng Cường nói thêm: "Mùa đông ở đây có khắc nghiệt đến mấy thì cũng có áo, có chăn để giữ ấm, cùng lắm là đốt lửa sưởi, chứ mùa hè thì gian nan hơn nhiều. Bởi chốt dựng tạm bằng một lớp bạt, lợp mái tôn, giữa cái nóng như lò nung, mọi giải pháp chống nóng lúc đó chỉ là… đổ mồ hôi mà thôi. Sợ nhất là những ngày mưa gió, lều bạt chỉ chịu được mưa nhỏ, mưa vừa thì kéo dài khoảng 1-2 ngày là ngấm ướt như ngoài trời. Mưa to, gió lớn thì lều bạt bay hết, chốt tạm cũng biến mất, chỉ có các chiến sĩ mình đồng, da sắt chúng tôi là không được phép rời vị trí".

Không được phép rời vị trí còn là câu chuyện gắn với chàng Thượng uý Tráng A Vàng đang ngồi kế bên. Tráng A Vàng quê ở huyện Vân Hồ, nhà chỉ cách Đồn hơn 40km, nhưng khi vợ đẻ, Vàng cũng không thể về. "Em trực chốt từ đầu tháng 3/2020 đến nay. Đúng đợt dịch đang "nóng" ở nhiều vùng miền đất nước, thì nhận được tin vợ sinh con. Em chỉ biết ở chốt cầu nguyện cho "vợ tròn con vuông" với tâm trạng hồi hộp khó tả, vì lần đầu được làm bố. Sau đó vài tháng, khi dịch cơ bản được khống chế, em mới về nhìn mặt con và thăm vợ được vài giờ" – Tráng A Vàng cho biết.

Bộ đội biên phòng sẵn sàng ăn cái Tết thứ 2 tại chốt chống dịch  - Ảnh 2.

Thượng úy Mùa Láo Xuân, Chốt kiểm dịch Covid-19 Phiêng Cài, đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập hái rau chuẩn bị bữa cơm chiều

Thượng úy Nguyễn Thế Cường, chốt Cột Mốc hài hước bảo: "Mùa đông vùng cao biên giới dù lạnh dưới 0 độ C thì công việc bám chốt vẫn được bộ đội duy trì bình thường. Chúng tôi vẫn hát vang khúc quân hành ca, canh cho dân yên, thức cho dân ngủ, vẫn mang đàn ghi ta ra gẩy hoặc sưu tập rất nhiều loại sáo, khèn để hát cho quên cái lạnh lúc trực. Lạnh quá không chịu được thì đốt lửa sưởi ấm thôi".

Mong được gắn bó cả đời nơi biên giới

Con đường mòn gồ ghề sống lưng trâu, leo ngược lên dốc cao dựng đứng ở  lưng chừng núi dẫn lên chốt Phiêng Cài. Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, Sơn La Sa Trọng Thời đã  cử tay lái biên phòng có thâm niên chở xe máy chúng tôi đi xuyên màn sương mù đặc quánh lên thăm chốt. Các chiến sỹ bảo, mùa Đông ở đây ngày nào sương cũng trắng xoá vậy. Đi tuần anh em đều phải mặc áo mưa, không thì chỉ mươi phút là ướt nhẹp hết, đường luôn trơn trượt vì ướt. Các chiến sỹ đi tuần tra rất vất vả, vì nhiều lúc soi đèn xe máy mà vẫn không nhìn thấy đường đi.

Bộ đội biên phòng sẵn sàng ăn cái Tết thứ 2 tại chốt chống dịch  - Ảnh 3.

Đường từ Đồn lên chốt Phiêng Cài sương mù luôn trắng xoá xung quanh

Đón chúng tôi trong trời chiều chạng vạng, Thượng úy Mùa Láo Xuân, Chốt kiểm dịch Covid-19 Phiêng Cài, đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập cảm thông với bộ dạng quấn khăn áo kín mít của chúng tôi vì cái lạnh thấu xương: "Các chị nhìn xem chốt được lập giữa khoảng đất trống không gì che chắn, nắng thì cháy da, rét thì cắt thịt, lính biên phòng mà không "mình đồng da sắt" thì sao có thể hoàn thành nhiệm vụ?". "Vì sao lại lập chốt ở địa điểm này, sao không tìm một địa điểm thuận lợi hơn? Bởi đây là nơi dễ dàng quan sát tất cả các đối tượng nhập cảnh từ nước bạn Lào sang nước ta nhất, nơi có thể nhìn thấy các đường mòn lối mở xung quanh. Chốt chặn ở đây cũng khiến đối tượng có ý định nhập cảnh trái phép sẽ phải "kiềng" bộ đội biên phòng" – Thượng uý Mùa Láo Xuân cho biết.

Dưới chân đồi gần chốt, chàng binh nhất Lò Văn Thạo, 19 tuổi, người Thái, quê ở huyện Sông Mã đang lúi húi đi tìm hái rau má, để chuẩn bị nấu bữa cơm chiều. Lò Văn Thạo bảo: "em đến chốt từ tháng 7/2020, đến nay chưa về nhà lần nào. Lúc mới đến chỉ có mấy anh em trực chốt, em rất nhớ nhà, thế nhưng chỉ ít ngày là quen thôi".

Bộ đội biên phòng sẵn sàng ăn cái Tết thứ 2 tại chốt chống dịch  - Ảnh 4.

Binh nhất Lò Văn Thạo, 19 tuổi, người Thái, quê ở huyện Sông Mã đang tìm rau má hái về cải thiện bữa ăn ở chốt

Thạo là con trai út trong nhà, 2 chị gái đã lấy chồng, chỉ còn bố mẹ ở nhà làm nông ngóng đợi Thạo về. Biết con trai trực chốt vất vả, nhưng bố mẹ Thạo luôn động viên con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, coi như đấy là quãng thời gian trải nghiệm quý giá của người lính biên phòng để Thạo đủ bản lĩnh vào đời sau này.  

"Với em, hơn 1 năm trong đời quân ngũ là thấm hết dư vị ở biên giới rồi, vất vả lắm, nhưng nếu được tiếp tục gắn bó với nghiệp lính biên phòng, em sẽ không bỏ lỡ cơ hội. Khi hết nghĩa vụ, em sẽ thi vào Học viện Biên phòng để có cơ hội được trở lại biên giới cống hiến cả đời ở đây" – Lò Văn Thạo tự tin nói về mơ ước của mình.

Giữa đỉnh đồi trống trơn, chốt chống dịch Phiêng Cài như càng nhỏ bé, đơn côi với lều bạt căng tạm. Một năm qua, các chiến sỹ ở đây vẫn phải sống cảnh không điện, không nước, không phương tiện giải trí, chỉ có ánh đèn xạc pin nhỏ để dùng cho công việc thiết yếu. "Không khó khăn khổ cực thì không phải là lính chốt thời dịch. Chúng tôi vẫn phải đảm bảo mọi sinh hoạt, sức khoẻ để chiến đấu với việc xuất nhập cảnh trái phép trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất" – Thượng uý Mùa Láo Xuân nói.

"Dù đã chuẩn bị mọi khâu cho anh em, chiến sỹ các chốt đón năm mới, nhưng ngay lúc dịch bùng phát trở lại, chúng tôi đã sẵn sàng tiếp tục nhiệm vụ chống dịch ở giai đoạn cấp bách mới" -  Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập, Mộc Châu, Sơn La Sa Trọng Thời cho biết.

Bộ đội biên phòng sẵn sàng ăn cái Tết thứ 2 tại chốt chống dịch  - Ảnh 5.

Giữa đỉnh đồi trống trơn, chốt chống dịch Phiêng Cài như càng nhỏ bé, đơn côi với lều bạt căng tạm, nhưng bên trong chốt lại ẩn chứa những chiến sỹ biên phòng quả cảm nhất

Theo Chính trị viên Sa Trọng Thời, các chiến sĩ biên phòng đã sẵn sàng ăn cái Tết thứ 2 tại chốt. Theo đó các chốt gần Đồn thì thực phẩm không đến mức quá khó, có thể 1- 2 ngày chiến sĩ thay nhau về Đồn lấy. Nhưng với những bản cheo leo trên đỉnh núi, điều kiện thời tiết không thuận lợi thì chỉ có thể khắc phục khó khăn bằng cách trữ đồ hộp, cá khô. Vì những chốt đó hầu hết chưa có điện, nên chốt tạm sẽ chẳng có tủ lạnh để trữ đồ, thành thử anh em ở chốt phải chủ động tích trữ lương thực theo điều kiện riêng của mỗi nơi. Trong trường hợp điều kiện thời tiết không thể đi lại, tiếp tế lương thực, những người lính của chúng ta sẽ dựa vào dân để làm tốt nhiệm vụ của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm