pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ đội Biên phòng Sơn La: Nhiều hoạt động vui Xuân ấm cùng bà con các dân tộc biên giới
Các chiến sỹ biên phòng và dân bản tham gia tiết mục văn nghệ
Chương trình được tổ chức nhằm mục đính chia sẻ những khó khăn với đồng bào các dân tộc một số bản trong khu vực biên giới xã Tân Xuân. Đồng thời cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân đội về việc chăm lo cho các gia đình chính sách, gia đình có công và các hộ gia đình khó khăn, góp phần giúp đồng bào đón năm mới đầy đủ hơn, đầm ấm hơn. Việc làm ý nghĩa này cũng góp phần tăng cường tình đoàn kết quân-dân, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng vùng biên cương của Tổ quốc.
Nơi thu hút khá đông bà con đến chính là những bàn khám bệnh và cấp thuốc miễn phí của các chiến sỹ quân y của Đồn Biên phòng Chiềng Sơn và Trung tâm y tế xã Tân Xuân. Với 200 suất thuốc các loại được vận chuyển đến đây (tổng trị giá 25.000.000đ). Đây là số thuốc do Hội Chữ thập Đỏ tỉnh Sơn La và nhóm Thiện nguyện Từ tâm TP Hà Nội phối hợp cùng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La muốn trao tận tay cho bà con sau khi họ khám bệnh.
Nổi bật với bộ quần áo Mông rực rỡ, thu hút nhiều ánh nhìn của bà con dân bản, chị Pàng Thị Xay (SN 1995), ở bản Láy bế con xếp hàng chờ được bộ đội biên phòng khám miễn phí. Chị Phàng cười tươi cho biết: Hôm nay tôi đi chơi Tết của đồng bào, thì cũng muốn mặc đẹp hơn mọi ngày. Con tôi là Mùa A Thành, 2 tuổi mấy hôm nay bị ho, tôi ngại đi trạm y tế, nên ra đây từ sớm để đợi cho con được khám bệnh lấy thuốc.
Một ông bố trẻ tên Thọ A Dinh, 26 tuổi, ở bản Cột Mốc cũng địu con 7 tháng tuổi sau lưng đi khắp các điểm diễn ra trò chơi dân gian tại chương trình. Anh Dinh tâm sự: Vợ là Hầu Thị Cung, 25 tuổi nay đi hái măng ở trên rừng sớm để có tiền mua thức ăn. Tôi bị đau lưng, muốn đi khám bệnh của bộ đội biên phòng, nên địu con ra đây chơi cùng bà con dân bản. Tôi muốn khám bệnh, nhưng lại bận trông con, nên lại thôi.
Thiếu tá Nguyễn Quang Hướng, Quân y Đồn biên phòng Chiềng Sơn vừa nghỉ tay khi đã quá trưa, anh cho biết: Hôm nay riêng bàn của tôi cũng có gần 100 người đến khám bệnh. Chủ yếu bà con đến khám các bệnh thông thường như ho, sốt, đau lưng, đau vai, dị ứng… Thiếu tá Hướng chia sẻ: "Chúng tôi vẫn thi thoảng tham gia chương trình khám và phát thuốc miễn phí cho bà con dân bản, dù làm việc liên tục trong nhiều giờ, nhưng bà con phấn khởi vì được khám bệnh, có thuốc uống cho khoẻ, ai cũng vui, vậy là chúng tôi làm việc không biết mệt mỏi".
Theo Thiếu tá Hướng, cái khó là bà con dân tộc Mông ở đây không biết tiếng Kinh, vì vậy chúng tôi không thể ghi hướng dẫn dùng thuốc trên mỗi loại được, mà phải dặn kỹ từng người dân. Có điều lạ, họ không thể đọc tiếng Việt, nhưng lại có thể nhớ được các loại thuốc mà bộ đội biên phòng phát cho.
Cũng là nội dung ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình, Ban tổ chức đã tặng quà cho 3 gia đình chính sách (mỗi suất quà trị giá 1.200.000đ; 147 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (mỗi suất quà trị giá 500.000đ gồm chăn ấm, gạo, mỳ tôm, đường, dầu ăn, bột canh cho bà con). Bên cạnh đó, 500 áo ấm, 500 đôi giày, 1.000 đôi tất của Hội từ thiện Trái tim vàng-TP Hồ Chí Minh trao cho các em nhỏ tại các điểm trường của xã Tân Xuân.
Phát biểu tại chương trình, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, ông Mùi Anh Tiến cho rằng, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã và đang thực hiện nhiều chương trình hướng đến biên giới, hải đảo, những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, mang cái Tết đầm ấm, hạnh phúc đến cho đồng bào các dân tộc ở vùng biên cương của Tổ quốc. Những hoạt động có ý nghĩa này đã phần nào giúp đỡ, động viên những người kém may mắn trong dịp Tết đến, Xuân về. Những hoạt động này đang dần thường xuyên, có ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống.
Ngoài những việc làm ý nghĩa này, các hoạt động văn hoá dân gian như thi giã bánh giày, kéo co, đẩy gậy và chương trình văn nghệ đặc sắc do dân bản và các chiến sỹ biên phòng cùng tham gia. Các hoạt động ý nghĩa này thực sự trở thành ngày hội lớn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Sơn La, thắt chặt thêm tình quân – dân vùng biên giới ngày càng ấm áp, bền lâu.