pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ đội Hải quân giúp người dân đảo Hòn Chuối kiên cường bám biển mưu sinh

Bộ đội Hải quân Trạm 615 tặng quà, tuyên truyền thông tin cho người dân ở đảo Hòn Chuối
Con đông nên ra đảo mưu sinh kiếm sống
Có dịp đến đảo Hòn Chuối mới thấu hiểu "cái khó" để đi lại từ đảo vào đất liền như Đại uý Phan Văn Nguyên vừa nói. Để đến được đảo Hòn Chuối hôm ấy, chúng tôi từ tàu của Hải quân còn phải thêm 2 lần "chuyển đò" sang ghe nhỡ của ngư dân, rồi lại chuyển sang thuyền cá nhỏ hơn mới lên được đảo Hòn Chuối.

Từ tàu của Hải quân, chúng tôi còn phải thêm 2 lần "chuyển đò" mới đặt chân đến đảo Hòn Chuối
Ấn tượng ngay khi vừa lên đảo Hòn Chuối là vách núi đá sừng sững trước mặt, cùng khu rừng rậm xanh ngắt. Những căn nhà tạm bợ của người dân bám vào vách núi ở chân đảo. Xung quanh nhà nào cũng có nhiều thùng, đồ chứa đựng nước mưa. Vì giếng tự nhiên trong mạch ngầm ở đảo chỉ có lượng nước hạn chế, lực lượng bộ đội và các hộ dân ở đảo đều phải dùng nước tiết kiệm mỗi ngày.
Căn nhà nhỏ của chị Lý Thị Thu (SN 1987) sơ sài, được che bằng những tấm bạt, vải dứa, lợp mái tôn cũ đón gió lùa tự nhiên thay cây quạt máy. Chị Thu vui vẻ kể: "Vợ chồng tôi có 5 con, con trai lớn 16 tuổi, hiện đang chạy ghe thuê cùng bố, còn 2 con (SN 2013 và 2015) đang nghỉ hè nhưng vẫn lên núi với thầy giáo Phục và Trạm 615 chơi với các chú bộ đội. Tôi ở nhà trông 2 con nhỏ Nguyễn Ngọc Gia Huy, 2 tuổi và Nguyễn Ngọc Thiên Anh, 4 tuổi".

Chị Lý Thị Thu ở nhà trông 2 con nhỏ, hồ hởi chia sẻ với phóng viên Báo PNVN
Chồng chị là anh Nguyễn Văn Hùng, chạy ghe thuê, ai mướn gì làm nấy, kiếm được từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng lại có người nhà mua giúp lương thực ở đất liền, tiện ghe của nhà lúc nào, anh lấy đồ và chở ra đảo cho gia đình.
"Bố con anh đi làm, trưa thường về nhà ăn cơm. Năm 2022, người cậu kêu chồng tôi ra đảo phụ giúp nuôi cá ở lồng bè. Chồng ra đảo thì vợ con cũng đưa nhau theo. Căn nhà này là người cậu đã bỏ vào bờ (năm 2014) do bị thất thu vụ cá lồng từ đó, giờ cho vợ chồng tôi ở nhờ" - chị Thu vừa cho con uống sữa, vừa kể.
Biết là ra đảo sinh sống các con sẽ thiệt thòi, vì đảo không có sân chơi, học tập chỉ có lớp học chữ duy nhất của thầy giáo Biên phòng Trần Bình Phục dạy. Nhưng ở đất liền vợ chồng chị không có việc làm ổn định, con đông nên phải ra đảo phụ giúp người cậu mới có tiền lo cho đàn con. "Các con được học miễn phí ở lớp thầy giáo Phục, vợ chồng tôi chỉ cần các con không mù chữ. Sau này các con lớn sẽ trợ giúp bố mưu sinh, lo đủ cuộc sống thì gia đình mới bớt khó khăn" – chị Thu bộc bạch.

Nhà nào cũng có nhiều thùng, đồ chứa đựng nước mưa và phải tiết kiệm nước sinh hoạt hàng ngày
Đảo Hòn Chuối hiện chưa có trạm y tế, chưa có trường học, chỉ có một lớp học tình thương do bộ đội Biên phòng phụ trách. Hơn 10 năm trước, Tổ nhân dân tự quản trên đảo phối hợp với Đồn Biên phòng 704 (Ban chỉ huy Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau) và Trạm Rađa 615 (thuộc Vùng 5 Hải quân) mở một lớp học tình thương, do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 704 đứng lớp. Thiếu tá Trần Bình Phục cùng đồng đội đã thực hiện nhiệm vụ này 15 năm qua. Lớp học ở đảo có đủ trình độ cho các em học từ lớp 1 đến lớp 5. Năm học 2024-2025, lớp học có 12 học sinh. Từ lớp học này, nhiều thế hệ học sinh đã chuyển vào đất liền, học tiếp lên cấp học cao hơn.
Ngư dân cần được hỗ trợ, bồi dưỡng về kỹ thuật nuôi trồng thủy hải sản
Chia sẻ về những nỗ lực hỗ trợ người dân và ngư dân ở vùng biển đảo Hòn Chuối bớt khó khăn, kiên tâm bám biển đảo, Đại uý Phan Văn Nguyên, Chính trị viên Trạm Rađa 615 - đảo Hòn Chuối, cho biết: Đảo Hòn Chuối có địa hình phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều, tuy không xa đất liền nhưng điều kiện sinh hoạt, đi lại của quân và dân trên đảo còn nhiều khó khăn.

Đảo Hòn Chuối hiện chưa có trạm y tế, chưa có trường học, chỉ có một lớp học tình thương do thầy giáo Biên phòng Trần Bình Phục phụ trách
Bà con ở đảo Hòn Chuối chủ yếu sinh sống bằng nghề nuôi cá lồng bè. Việc đi lại, di chuyển giao thương với đất liền chủ yếu bằng các ghe thu mua cá, ghe nước đá, nên rất khó chủ động trong buôn bán. Hơn nữa, do điều kiện thời tiết sóng gió theo mùa, nên mỗi năm bà con phải di chuyển lồng bè 3 lần và di chuyển nhà ở trên đảo sang 2 ghềnh khác nhau. Trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng bè bị mất mùa, lỗ vốn nên nhiều hộ gia đình đã chuyển vào đất liền để làm nghề khác. Nhà ở của bà con trên đảo chủ yếu là nhà tạm bợ, sinh hoạt còn nhiều bất tiện.
Đồng chí Chính trị viên Trạm Rađa 615, chia sẻ: "Từ thực tế khó khăn của quân và dân ở đảo xa, bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, để nỗ lực giúp người dân đảo được giảm "nghèo" thông tin, thời gian qua, Trạm Rađa 615 và Đồn Biên phòng Hòn Chuối thường xuyên phối hợp tuyên truyền cho bà con các nội dung về đương lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thông tin đến bà con các nội dung, quy định, hướng dẫn mới của Đảng, nhà nước và địa phương. Đơn vị đồng thời tổ chức đấy mạnh đẩy mạnh tăng gia sản xuất bằng hệ thống nhà lưới, vườn giàn cũng như khu vực chăn nuôi, vừa nâng cao đời sống bộ đội, có thực phẩm, rau quả dự trữ tươi, một phần còn giúp đỡ, hỗ trợ bà con trên đảo có thêm nguồn lương thực dự trữ".

Nhà ở của bà con trên đảo chủ yếu là nhà tạm bợ, sinh hoạt còn nhiều bất tiện.
"Chúng tôi còn có mô hình "Giọt nước nghĩa tình" vào mùa nắng hạn, khi bà con hết nước ngọt, đơn vị bằng nhiều cách sẽ hỗ trợ, cấp nước ngọt miễn phí cho bà con. Hơn nữa, do điều kiện đi lại vào đất liền khó khăn, đơn vị thường xuyên cử quân y xuống thăm khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các hộ dân ở đảo. Trạm 615 còn thực hiện mô hình "Mỗi đơn vị gắn với một địa chỉ tình thương", hằng quý đơn vị hỗ trợ mỗi gia đình khó khăn trên đảo 20kg gạo, để bà con yên tâm bám biển đảo. Trạm cũng hỗ trợ điện thắp sáng cho lớp học tình thương, góp phần giúp các em nhỏ đi học ở đảo vẫn được tiếp cận với thông tin cũng như các máy móc hỗ trợ cho việc học tập tốt hơn" - Đại uý Phan Văn Nguyên, chia sẻ thêm.
"Để người dân yên tâm sinh sống và cùng bộ đội xây dựng đảo tiền tiêu ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc ổn định, bền vững, theo tôi, bà con ngư dân cần được hỗ trợ, bồi dưỡng thêm về kỹ thuật, quy trình công nghệ về nuôi trồng thủy hải sản để nâng cao năng suất nuôi trồng. Có phương tiện di chuyển để tiện lợi hơn trong quá trình giao thương buôn bán. Hỗ trợ xây dựng nhà ở cũng như các bồn nước dữ trữ còn thiếu cho bà con, để hạn chế việc thiếu nước vào mùa nắng hạn. Từ đó, giúp bà con bớt đi khó khăn thường ngày khi sinh sống ở đảo xa"- Chính trị viên Trạm Rađa 615 – đảo Hòn Chuối, bày tỏ.

Mô hình "Giọt nước nghĩa tình" của Bộ đội Hải quân Trạm 615 thường tìm cách hỗ trợ, cấp nước ngọt miễn phí cho bà con mùa khô hạn