Bộ Tài chính: Có thể điều chỉnh giảm trừ gia cảnh vào tháng 10/2025

Hải Yến
07/01/2025 - 20:12
Bộ Tài chính: Có thể điều chỉnh giảm trừ gia cảnh vào tháng 10/2025

Mức giảm trừ gia cảnh hiện quá lạc hậu, bất cập khi chi tiêu, cuộc sống ngày càng đắt đỏ, cần nhanh chóng điều chỉnh để giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Ảnh minh hoạ

Bộ Tài chính dự báo CPI biến động trong năm 2025 và có thể phải điều chỉnh mức giảm trừ này. Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2024 vào chiều 7/1.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí - Bộ Tài chính, thông tin, theo quy định hiện hành, trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với lần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI từ năm 2020 - thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh - đến 2024 là trên 15%, tức chưa vượt ngưỡng 20% theo quy định. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh chưa thể điều chỉnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý giám sát chính sách thuế, phí, lệ phí, Bộ Tài chính dự báo CPI biến động trong năm 2025 và có thể phải điều chỉnh mức giảm trừ này. Do đó, cơ quan này sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp thực tế, mà không cần chờ sửa luật.

Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương và cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột của ngân sách, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng (VAT).

Hiện mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng một tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020. Liên quan tới mức giảm trừ gia cảnh, thời gian qua cử tri nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM liên tục có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi cho phù hợp tình hình kinh tế - xã hội khi cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh hiện quá lạc hậu, bất cập khi chi tiêu, cuộc sống ngày càng đắt đỏ, cần nhanh chóng điều chỉnh để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.

Bộ Tài chính cho biết, đã tổng hợp ý kiến, góp ý của các bộ ngành, địa phương về dự thảo luật này. Tới đây, Bộ sẽ gửi hồ sơ dự án luật này sang Bộ Tư pháp, để thẩm định theo trình tự quy định. Dự thảo luật này sẽ được đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, thông qua tháng 5/2026.

Về cập nhật mã định danh cá nhân thành mã số thuế, tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn nêu thực trạng về việc một cá nhân có từ 2-3 mã số thuế cá nhân hay số liệu chưa khớp thực tế. Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2024, 95% mã số thuế khớp đúng thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia, 5% còn lại vẫn đang được tích cực rà soát, tìm kiếm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, việc dùng căn cước công dân hoặc hộ chiếu để làm mã số thuế cá nhân, trong nhiều trường hợp khi sử dụng mã số thuế cá nhân để giao dịch dân sự, chuyển nhượng bất động sản, thực hiện các nghĩa vụ liên quan, cho thuê tài sản, cơ sở dữ liệu sẽ đưa ra mã số thuế là khác nhau. Do vậy, Tổng cục Thuế cũng phải liên tục "làm sạch" cơ sở dữ liệu, đề nghị người nộp thuế thực hiện, đối chiếu và lựa chọn một mã số thuế cuối cùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm