Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Có những vùng học bạ rất "long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao

D.H
08/05/2020 - 17:34
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Có những vùng học bạ rất "long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ công bố vào ngày 8/5, liên quan đến công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Bộ trưởng Nhạ cũng lưu ý các vấn đề liên quan đến tuyển sinh riêng và việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Quy định ngưỡng điểm đầu vào

Sáng 8/5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Sự kiện này nhằm thống nhất hướng tới một kỳ tuyển sinh nhẹ nhàng, hiệu quả, bảo đảm chất lượng, tạo được sự bình yên cho xã hội và sự yên tâm, hứng khởi của học sinh.

Một trong những nội dung quan trọng của quy chế là tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe.

Sẽ quy định ngưỡng điểm đầu vào với trường xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin tại hội nghị trực tuyến về tuyển sinh với các trường vào sáng ngày 8/5

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào với thí sinh sử dụng điểm bài thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Nếu thí sinh đăng ký sử dụng kết quả học tập để xét tuyển vào các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược thì điểm học bạ trung bình tối thiểu là 8,0 trở lên.

Đối với các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, tối thiểu là 6,5 trở lên. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo khác sẽ do các trường tự quy định trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng nguồn tuyển sinh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các trường thống nhất quy chế, công tác tuyển sinh, tránh tình trạng thiếu thông tin khi tư vấn cho học trò. Nhà trường cần tổ chức giới thiệu ngành nghề, nhấn mạnh cơ hội, từ đó các em có lựa chọn phù hợp. Học sinh cần biết được sau 4 năm học, đầu ra sẽ thế nào.

Bộ trưởng GD&ĐT đề nghị người đứng đầu nhà trường phải thực tế tham gia các buổi tư vấn thông tin tuyển sinh. Nhà trường cần khuyến khích đẩy mạnh học trực tuyến, chia sẻ, hội nhập nguồn tài liệu nước ngoài. Nhiều trường còn tiếp cận tuyển sinh truyền thống, cho rằng học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế.

Riêng với các trường tổ chức tuyển sinh riêng, Bộ trưởng lưu ý cần nghiêm túc chấp hành các quy định trong quy chế, bảo đảm chất lượng kỳ thi và công khai, minh bạch. Đây là những chuẩn mực cơ bản, nếu các nhà trường muốn tổ chức thi riêng phải tuân thủ nghiêm túc.

Theo đó, cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng 7 điều kiện: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng; có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi; có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho việc tổ chức thi; có đề án tổ chức kỳ thi riêng; xây dựng được cấu trúc đề thi phù hợp; đã ban hành quy chế tuyển sinh của trường, công khai ít nhất 15 ngày trước kỳ thi trên trang thông tin điện tử của trường.

Kiến nghị đề thi cần phân hóa rõ nét hơn

Cũng tại hội nghị, một số lãnh đạo trường đại học băn khoăn về tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT. Theo nhận định về đề thi tham khảo, một số trường cho biết đã thấy rõ độ phân hóa của đề. Tuy nhiên, nếu muốn sử dụng kết quả đề thi để xét tuyển, đề cần phân hóa sâu hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Có những vùng học bạ rất "long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Kiến nghị về mức độ phân hóa sâu của đề thi cũng được khối các trường y, dược đưa ra, bởi đây là những ngành đặc thù, yêu cầu cao về tính công bằng và phân loại chất lượng đầu vào.

"Quá trình chuyển đổi chất lượng điểm trong học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau. Có những vùng học bạ "rất long lanh" nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Vì thế, những trường dành chỉ tiêu về học bạ phải cẩn trọng lựa chọn. Sau khi có phổ điểm tốt nghiệp THPT, chúng ta sẽ tiến hành đối sánh với học bạ. Điều này sẽ cho thấy chất lượng thực với chất lượng đánh giá của địa phương như thế nào. Học bạ điện tử được áp dụng rộng rãi nên các trường có thể yên tâm, xã hội sẽ thực hiện giám sát điều này."

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Thông tin về điều này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho biết, Bộ GD&ĐT đã nỗ lực công bố sớm đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 7/5. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để thí sinh tham khảo, định hướng tốt hơn trong quá trình ôn tập "nước rút" hiện nay.

"Đề thi chính thức tốt nghiệp THPT sẽ theo định hướng rất sát đề thi tham khảo đã công bố trước đó. Các trường phổ thông và trường đại học hoàn toàn có thể yên tâm. Kỳ thi tới đây chắc chắn sẽ hỗ trợ phần lớn cho các trường đại học muốn sử dụng kết quả thi để tuyển sinh"- ông Trinh cho hay.

Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh, với hướng ra đề thi theo tinh thần của đề tham khảo, các trường tốp đầu cũng có thể yên tâm vì độ phân hóa để lựa chọn học sinh giỏi, học sinh xuất sắc với ngưỡng điểm 9, điểm 10. Muốn có kết quả tốt nhất, chắc chắn kỳ thi phải diễn ra nghiêm túc, đòi hỏi sự tham gia phối hợp của các trường cùng Bộ GD&ĐT trong kỳ thi tới.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm