pnvnonline@phunuvietnam.vn
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội: Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng không chỉ có tiền mặt
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu. Ảnh quochoi.vn
Tiếp tục chương trình làm việc đợt 2 của Kỳ họp thứ 10, sáng nay (2/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; Kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn…
Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm trước những tác động của đại dịch Covid-19 và thiên tai xảy ra liên tiếp đã tác động không nhỏ tới đời sống nhân dân. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn ĐBQH Khánh Hòa, cho rằng: Nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của đại dịch Covid-19, nay lại xảy ra tình trạng "Bão chồng bão, lũ chồng lũ" ở các tỉnh miền Trung. Vấn đề đặt ra là Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương cần phải có giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống cho người dân.
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, thời gian qua đã có gói hỗ trợ an sinh xã hội và đang tiếp tục đề xuất có thêm gói hỗ trợ an sinh lần thứ 2. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh bày tỏ băn khoăn "những gói hỗ trợ đó đã tạo sự yên tâm cho người dân để họ tiếp tục sinh sống và kinh doanh sản xuất hay không?". Theo đó, đại biểu kiến nghị cần "mở rộng các gói kích cầu để có thể tăng cả tổng cung và tổng cầu để cả xã hội có thể quay trở lại trạng thái tương đối bình thường trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đảm bảo sinh hoạt trong xã hội". Đồng thời hướng tới tự chủ nền kinh tế trong điều kiện cả thế giới suy thoái như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến ngày 30/9/2020 các địa phương đã giải ngân được 17.500 tỷ đồng trong tổng số 62 ngàn tỷ đồng. Trong số 17.500 tỷ đồng đã giải ngân, có tới 11.690 tỷ đồng hỗ trợ cho nhóm thứ 5 (người có công, hộ nghèo, cận nghèo). Chỉ có khoảng 5.800 tỷ đồng hỗ trợ cho tất cả các nhóm đối tượng còn lại.
Đáng chú ý, kết quả giải ngân của gói 16.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 0% để chi trả lương ngừng việc cho người lao động qua ngân hàng chính sách xã hội đến nay kết quả chỉ là con số 0.
Đánh giá cao Chính phủ đã kịp thời đề xuất ban hành gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy và đại biểu Trương Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH Đà Nẵng, sau nửa năm triển khai, kết quả giải ngân đạt rất thấp. Trong quá trình giám sát về giảm nghèo của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kết hợp khảo sát nắm bắt tình hình thực hiện gói hỗ trợ này. Kết quả cho thấy, tại Hà Nam, trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ, chỉ có nhóm đối tượng thứ 5 là người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đã nhận được đầy đủ. Còn việc hỗ trợ đối với các nhóm còn lại kết quả gần như bằng 0. Tại tỉnh Phú Yên và Quảng Ngãi qua khảo sát cũng cho kết quả tương tự.
Về vấn đề an sinh xã hội, phát biểu tại tổ 18 (gồm các tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kon Tum), ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Qua đại dịch Covid-19 vừa qua có thể thấy được bài học thành công trong phòng chống dịch. Ngoài sự lãnh đạo của Đảng, ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ủng hộ nhân dân thì có một yếu tố nền tảng, đó là hệ thống trung tâm dịch vụ y tế dự phòng rất tốt, mọi người dân đều được chữa trị dù có tiền hay không.
Riêng về nội dung gói hỗ trợ người dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trưởng ngành LĐ-TB&XH, cho biết thêm: Hiện nay nhiều người đang hiểu nhầm rằng tất cả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đều là "tiền tươi thóc thật" nhưng thực tế trong đó có rất nhiều khoản hỗ trợ khác, ví như: hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội...
Còn tiền mặt hỗ trợ thực tế chỉ hơn 30.000 tỷ đồng. Trong đó đã phê duyệt thực chất là 24.000 tỷ đồng nhưng mới chi được 14.000 tỷ đồng. "Trong đó, nhiều địa phương đã lấy cả vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ người dân. Qua đó, có thể thấy trong hoàn cảnh khó khăn vẫn quan tâm đến vấn đề xã hội. Từ đó, niềm tin của người dân tăng lên chính là phần thưởng vô giá với chúng ta".
Góp ý vào báo cáo kinh tế - xã hội, ông Đào Ngọc Dung đề xuất trong báo cáo kinh tế - xã hội cần phải nhấn mạnh, quan tâm hơn nữa tới các vấn đề xã hội, an sinh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và xã hội.
Theo trưởng ngành Lao động, định hướng trong 5 năm tới cần đặt ra mục tiêu nhất quán về vấn đề phát triển bao trùm bền vững. Trong đó tập trung vào 3 vấn đề cơ bản, cụ thể: Thứ nhất là nâng cao, nâng tầm kỹ năng của người lao động Việt Nam; thứ 2, quan tâm tới việc làm cho người lao động; thứ 3 là an sinh xã hội bền vững mà trọng tâm là 2 trụ cột BHXH và BHYT.