Bộ Y tế: Các ổ dịch nguy hiểm nhất đã được kiểm soát

Linh Trần
06/02/2021 - 16:22
Bộ Y tế: Các ổ dịch nguy hiểm nhất đã được kiểm soát

Nhân viên y tế làm việc xuyên đêm để phòng chống dịch (nguồn:BYT)

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân đến nay các ổ dịch phức tạp, nguy hiểm đã được kiểm soát, không còn khả năng lây ra cộng đồng.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, đợt dịch này đã ghi nhận gần 400 ca mắc tại 12 tỉnh thành. Trong đó, các địa phương có nhiều ổ dịch với số người mắc cao là Hải Dương, Quảng Ninh.

Ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng chống dịch và huy động toàn dân tham gia chống dịch. Về phía ngành y tế, Bộ Y tế đã huy động hàng ngàn chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực chuyên môn; cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương như Hải Dương, Điện Biên, Gia Lai… 

Theo đánh giá, đến nay, tình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt. Các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế và không còn khả năng lây lan cho cộng đồng như ổ dịch tại sân bay Vân Đồn, ổ dịch tại Công ty Poyun (TP. Chí Linh, Hải Dương). Ngoài ra, các ổ dịch xâm nhập ở các địa phương khác cũng đã được khoanh vùng xử lý triệt để ngay.

Đánh giá về tình hình dịch covid-19 lần này, PGS.Trần Như Dương cho rằng, đợt dịch lần này nguy hiểm hơn những lần trước rất nhiều. Bởi, virus đã chủng kiểu Anh, với đặc điểm là lây lan rất nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, số người mang virus không triệu chứng cũng rất cao, nên để phát hiện được người nhiễm bệnh tại cộng đồng đòi hỏi phải truy vết, xét nghiệm thật nhanh trên diện rộng với số lượng lớn.

Để đáp ứng với tình hình mới, Bộ Y tế đã có nhiều điều chỉnh các biện pháp chống dịch, trong đó có thay đổi chiến lược xét nghiệm. Nếu như trước đây chủ yếu làm xét nghiệm mẫu đơn hoặc nhiều lắm là gộp mẫu 5 thì tại Quảng Ninh và Hải Dương, Bộ Y tế đã cho phép làm gộp mẫu từ 10-12 mẫu trong một lần xét nghiệm. Ví như gộp theo hộ gia đình hoặc trong một nhóm cùng cơ quan, đơn vị có thể lên tới 16 mẫu. Nhóm mẫu nào xuất hiện dương tính thì lập tức cho cách ly ngay và tiến hành tách ra làm mẫu đơn để phát hiện chính xác được người nhiễm bệnh. Với cách làm này vừa nhanh lại tiết kiệm được rất nhiều sinh phẩm, PGS. Trần Như Dương chia sẻ.

Về vấn đề dư luận lo ngại độ hiệu quả của việc gộp mâu, PGS. Trần Như Dương cho rằng, kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ đã khẳng định việc gộp nhiều mẫu trong một lần xét nghiệm là hoàn toàn khả thi, chính xác, tin cậy với độ nhậy và độ đặc hiệu cao tương đương như khi làm mẫu đơn. Chính nhờ có những căn cứ khoa học rõ ràng như vậy mà Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn thực hiện trong toàn quốc.

Hiện đã sắp đến thời điểm Tết Nguyên đán, số người về quê ăn Tết rất lớn trong khi tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, PGS.TS Trần Như Dương cho rằng người dân cần thực hiện  tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế (đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, không tụ tập, giữ khoảng cách và khai báo y tế).

Ngoài ra, người dân cũng nên thay đổi một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Ví như, thay vì đi từng nhà gặp gỡ trực tiếp để chúc Tết có thể gọi điện, nhắn tin,...để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm