Bộ Y tế đàm phán mua vaccine ngừa Covid-19 Moderna

Linh Trần
28/05/2021 - 22:09
Bộ Y tế đàm phán mua vaccine ngừa Covid-19 Moderna

Vaccine của hãng dược phẩm Moderna

Bộ trưởng Bộ Y tế đã đàm phán với Công ty Zuellig Pharma để mua vaccine ngừa Covid-19 Moderna tiêm cho người dân.

Ngày 28/5, Bộ Y tế cho biết, chiều nay Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp trực tuyến với Công ty Zuellig Pharma (đơn vị phân phối vaccine moderna tại Việt Nam) để mua vaccine ngừa Covid-19 Moderna.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vaccine cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch.

Đại diện Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam và cho biết hãng sẽ sớm trả lời cũng như dành sự ưu tiên cho Việt Nam về vaccine Moderna.

Vaccine ngừa Covid-19 Moderna do Công ty dược phẩm Moderna nghiên cứu, sản xuất đã được Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Vaccine được tiêm hai liều cách nhau vài tuần và có thể gây ra các phản ứng phụ, chẳng hạn như sốt hoặc đau nhức cơ thể trong vài ngày. Hiệu quả của vaccine này khi tiêm đủ 2 mũi đạt tư 94% - 95%.

Bộ Y tế đàm phán mua vaccine ngừa Covid-19 Moderna - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế đàm phán để mua vaccine Moderna

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng Covid-19 cho Việt Nam. Đồng thời, xem xét việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, tiếp cận vaccine ngừa Covid-19 là một trong những ưu tiên không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Quan điểm của Việt Nam là làm thế nào để có thể tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng vaccine rộng nhất. Mặc dù vậy, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian qua, Việt Nam không phải là điểm nóng về dịch Covid-19 nên việc tiếp cận vaccine cũng hạn chế hơn do các đơn vị cung ứng vaccine ưu tiên cho các khu vực là điểm nóng về dịch bệnh.

Bộ Y tế đàm phán mua vaccine ngừa Covid-19 Moderna - Ảnh 2.

Địa diện các nước đánh giá cao công cuộc phòng chống Covid-19 của Việt Nam

Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vaccine phòng Covid-19 như đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vaccine; khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vaccine để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vaccine. Các bên đều ủng hộ cùng tham gia chia sẻ để giảm nhẹ gánh nặng đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong vấn đề tiếp cận và cung ứng vaccine.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, Chương trình COVAX Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 38,9 triệu liều vaccine Covid-19 và Việt Nam cũng đề xuất COVAX Facility hỗ trợ Việt Nam thêm 10 triệu liều theo cơ chế chia sẻ chi phí. Bộ trưởng mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các Quốc gia tài trợ cho COVAX Facility hỗ trợ, tác động để có thêm vaccine cho Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các nước có dư thừa vaccine tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vaccine.

Đại diện các Hiệp hội, Phòng thương mại, các công ty cũng đồng ý chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng vaccine cho người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các bên đánh giá cao việc Bộ Y tế sẽ hỗ trợ phê duyệt các thủ tục nhập khẩu vaccine nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Việt Nam.

Cũng liên quan đến vaccine, sáng ngày 28/5, Bộ Y tế đã tổ chức tiếp nhận 185 tỷ đồng từ 8 doanh nghiệp, tập đoàn ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19. Theo đó, 8 đơn vị, doanh nghiệp trao tặng 185 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng Covid-19 Việt Nam, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tài trợ 50 tỷ đồng; Công ty Cổ phần thiết bị Điện Việt Nam tài trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn BIM Group tài trợ 30 tỷ đồng; Công ty Cổ phần VNG tài trợ 20 tỷ đồng; Ngân hàng Hàng hải tài trợ 20 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tài trợ 30 tỷ đồng; Tập đoàn KOSY tài trợ 3 tỷ đông; Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tài trợ 2 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời cảm ơn tới sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức trong thời gian qua cho ngành Y tế và công cuộc phòng chống dịch ở Việt Nam. Bộ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hơn nữa của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để Việt Nam sớm có đủ vaccine tiêm cho người dân.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm