Bức ảnh UNICEF năm 2017: Chân dung buồn của trẻ em trong xung đột

29/12/2017 - 22:59
Bức ảnh "Desolate childhood" (Thời thơ ấu kinh hoàng) của phóng viên ảnh Muhammed Muheisen đã giành giải "Bức ảnh UNICEF năm 2017". Đó là chân dung cô bé Syria Zahra Mahmoud (5 tuổi) chịu nhiều đau đớn trong cuộc chạy loạn cùng gia đình.
Người xem đều nhói lòng trước ánh mắt đầy ám ảnh của bức ảnh chụp cận cảnh chân dung cô bé Zahra Mahmoud (5 tuổi) đến từ Deir el-Zour (Syria) đã cùng gia đình rời bỏ quê hương để lánh nạn. Các chuyên gia đánh giá, bức ảnh này có sức hút lạ kỳ và xoáy sâu vào cảm xúc của người nhìn, khiến chúng ta phải suy nghĩ.
zahra-mahmoud-1.jpg
Ảnh bé Zahra Mahmoud - Biểu tượng cho hàng triệu trẻ em bị khủng hoảng nhân đạo khắp nơi trên thế giới

Tại buổi trao giải diễn ra tại Berlin, giám khảo người Đức Elke Büdenbender cho biết: "Đôi mắt trẻ thơ luôn nói lên sự thật. Ánh mắt của Zahra khiến bạn phải nhìn đi nhìn lại nhiều lần. Và sự thực, bức hình ấy đã trở thành biểu tượng cho hàng triệu trẻ em bị khủng hoảng nhân đạo khắp nơi trên thế giới".

tre-em-ti-nan-4.jpg
Nỗi đau trên đường chạy loạn

Quả đúng như vậy, Zahra là một trong số 2,8 triệu trẻ em Syria đang sợ hãi cho tương lai của chính mình sau khi rời bỏ những vùng chiến sự ở Syria. Cùng với gia đình đi tìm đến những miền đất hứa nhưng tương lai phía trước còn quá bấp bênh với các em. Tác giả Muhammed Muheisen tiết lộ anh đã gặp Zahra tại một trại tị nạn ở ngoại ô Mafrak, Jordan khi Zahra đã cùng cha mẹ và 7 anh chị em của mình chạy loạn.

tre-em-ti-nan-2.jpg
Những đứa trẻ tị nạn bé nhỏ trong một trại tập trung

Qua bức ảnh về Zahra, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực với trẻ em trong các cuộc xung đột. UNICEF đã kêu gọi tất cả các bên tham gia các cuộc xung đột trên thế giới tuân thủ nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế và ngay lập tức chấm dứt tình trạng bạo lực cũng như các vụ tấn công nhằm vào trẻ em. Giám đốc Các chương trình khẩn cấp của UNICEF Manuel Fontaine khẳng định trẻ em đang là mục tiêu và đối tượng của các vụ tấn công và bạo lực tàn bạo ngay tại nơi ở, trường học và nơi vui chơi. Những vụ tấn công này cứ tiếp tục diễn ra năm này qua năm khác.

Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy, hàng trăm nghìn trẻ em mất nhà cửa và nhiều trẻ em thiệt mạng do không được chăm sóc y tế hoặc tiếp cận với lương thực, nước uống khi các dịch vụ bị phá hủy trong các cuộc xung đột. Khoảng 27 triệu trẻ em tại các vùng chiến sự buộc phải bỏ học. UNICEF kêu gọi tất cả các quốc gia có ảnh hưởng đến các bên xung đột hãy dùng những ảnh hưởng có thể của mình để bảo vệ trẻ em.
tre-em-cam-sung.jpg
Lính trẻ em ở Yemen

UNICEF kết luận 2017 là năm khủng khiếp với trẻ em bị chiêu mộ làm vũ khí chiến tranh trong các cuộc xung đột khắp thế giới. Các em bị chiêu mộ ra chiến trường, buộc phải đánh bom tự sát, bị sử dụng như những lá chắn sống, bị giết hại... Nhiều trẻ em phải hứng chịu nạn bạo lực tình dục, kết hôn bắt buộc, cưỡng bức lao động và nô lệ phổ biến trong các cuộc xung đột ở Iraq, Syria, Yemen, Nigeria, Nam Sudan và Myanmar. Đó là chưa kể nhiều trẻ em đang bị tổn thương về thể xác, tinh thần, thậm chí có quá nhiều em là nạn nhân của những cú sốc tâm lý khi phải chứng kiến và trải qua vụ bạo lực kéo dài.

tre-em-suy-dinh-duong.jpg
Nhiều trẻ em chết dần chết mòn vì suy dinh dưỡng nặng

Đa số các cuộc chiến gây ảnh hưởng tới trẻ em xảy ra trong các cuộc xung đột kéo dài tại châu Phi. Boko Haram, phiến quân Hồi giáo cực đoan Nigeria đã ép buộc ít nhất 135 trẻ em đánh bom tự sát năm 2017, gấp 5 lần năm 2016. Tại Somalia, gần 1.800 trẻ em bị chiêu mộ vào các nhóm vũ trang trong 10 tháng đầu năm 2017, còn tại Nam Sudan là 19.000. Cuộc xung đột kéo dài 3 năm ở Yemen khiến ít nhất 5.000 trẻ em chết hoặc bị thương, 1,8 triệu trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng. Trong khi đó, tại Afghanistan, gần 700 trẻ em thiệt mạng trong chiến trận 9 tháng đầu năm nay.

tre-em-rohingya.jpg
Trẻ em Rohingya vượt sông từ Myanmar chạy trốn sang Bangladesh

Trẻ em tộc người Rohingya ở Myanmar hứng chịu bạo lực và buộc phải rời bỏ quê hương. Hơn một nửa trong số 650.000 người Rohingya di tản sang biên giới Bangladesh dưới 18 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm