"Bùng nổ" dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa trong đại dịch Covid-19

Lương Hiền (lược dịch theo Nytimes)
29/05/2021 - 09:19
"Bùng nổ" dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa trong đại dịch Covid-19

Bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân qua màn hình trực tuyến

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã châm ngòi cho "cuộc cách mạng" công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa (Teleheath) ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Dịch vụ này là một lựa chọn không chỉ an toàn mà còn hiệu quả cho người bệnh, xuất phát do điều kiện thiếu thốn trang thiết bị bảo hộ của đội ngũ nhân viên y tế, giảm sự tiếp xúc của đội ngũ y bác sĩ với người bệnh và nguy cơ bị lây nhiễm khi đến nơi đông người ngồi chờ khám bệnh. Mô hình này cũng được giới chuyên gia dự báo  không chỉ là giải pháp tình thế khủng hoảng của đại dịch Covid-19 mà sẽ trở thành một xu hướng thịnh hành trong tương lai.

Công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa Telehealth cung cấp dịch vụ chăm sóc cần thiết cho bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus SARS-CoV-2 gây nên đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Dịch vụ telehealth cung cấp trực tuyến qua điện thoại, máy tính và trên các ứng dụng di động. 

Bác sĩ Will Kimbrough, Giám đốc Y khoa ảo quốc gia của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ban đầu của Mỹ One Medical, cho biết, "Công cụ này giúp bệnh nhân nhận được dịch vụ y tế từ xa một cách tiện lợi và thoải mái qua điện thoại và máy tính".

Ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa của One Medical với tính năng "Treat Me Now" sẽ đưa ra những chẩn trị triệu chứng trên nền tảng kỹ thuật số đối với các bệnh phổ biến như phát ban, cảm lạnh/cúm, UTI... Tính năng này cũng cho phép dễ dàng đặt cuộc hẹn, thay đơn thuốc, tiếp cận các hồ sơ sức khỏe và nhiều tiện ích khác...

Mặc dù công nghệ telehealth và việc sử dụng nó không phải là mới, tuy nhiên việc áp dụng rộng rãi công nghệ này vẫn chưa phát triển rộng rãi trước đây. Nhưng cho tới khi đại dịch xuất hiện, trước lệnh giãn cách xã hội yêu cầu mọi người ở nhà, các bệnh viện trở nên quá tải và nguy cơ trở thành ổ dịch thì các xu hướng cho thấy việc sử dụng các dịch vụ từ xa của cả teleheath và bệnh nhân mới thực sự gây chú ý và gia tăng một cách nhanh chóng.

Bác sĩ Carol Parrot sống tại một hòn đảo ở tiểu bang Washington cho biết, các bệnh nhân của bà thích sử dụng dịch vụ Telehealth vì họ không phải thay quần áo, đi một chặng đường xa hàng chục cây số để được gặp bác sĩ. Bác sĩ này cho hay, bà khám bệnh cho 90% bệnh nhân bằng hình thức trực tuyến, xem xét các triệu chứng, sự vận động, cảm xúc và hô hấp của họ.

Bằng cách sử dụng điện thoại hoặc máy tính, bệnh nhân sẽ có thể nhận được hướng dẫn về việc liệu họ có cần đi khám hoặc xét nghiệm hay không thay vì đến phòng khám hoặc bệnh viện mà không đặt lịch trước. Đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc bệnh nghiêm trọng, nếu họ bị nhiễm bệnh, họ cũng có thể được thăm khám, kiểm tra định kỳ với một chuyên gia hoặc bác sĩ thay vì đi khám, điều này giúp tránh khả năng lây nhiễm bệnh ở cơ sở y tế.

"Bùng nổ" dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa trong đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tiến sĩ Stephen Parodi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và điều hành The Permanente Medical Group, liên kết với Kaiser Permanente-tập đoàn chăm sóc có quản lý tổng hợp của Hoa Kỳ

Tiến sĩ Stephen Parodi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và điều hành The Permanente Medical Group, liên kết với Kaiser Permanente-tập đoàn chăm sóc có quản lý tổng hợp của Hoa Kỳ, cho biết: "Việc sử dụng Teleheath sẽ trở nên quan trọng đối với việc kiểm soát đại dịch". Tiến sĩ Parodi nói thêm: "Các bệnh nhân đã đánh giá cao việc chuyển đổi đó. Bởi nhiều người trong số họ không muốn đến và tiếp xúc với môi trường phòng khám hoặc văn phòng."

Những thay đổi chính sách gần đây trong đại dịch Covid-19 cũng đã làm giảm các rào cản đối với việc tiếp cận telehealth và đã thúc đẩy việc sử dụng telehealth như một cách để cung cấp dịch vụ chăm sóc cấp tính, mãn tính, và chuyên khoa, ví dụ các bệnh chuyên khoa của nữ giới. Nhiều hiệp hội y tế chuyên nghiệp xác nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa và cung cấp hướng dẫn thực hành y tế trong bối cảnh đang phát triển này.

Những ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số này bao gồm một loạt các vấn đề về y tế, các giao diện khác nhau để tương tác với các nhà cung cấp. Khi đại dịch tràn tới, các nhà cung cấp dịch vụ Telehealth như One Medical đã cung cấp các tính năng mới chuyên về virus SARS-CoV-2. Theo một phân tích vào tháng 5/2020 vừa qua của công ty tư vấn kinh doanh Frost & Sullivan, các dịch vụ Telehealth tăng hơn 60% vào năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 ở Mỹ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên toàn cầu, 58% số quốc gia được khảo sát đang sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa. Thống kê của WHO cũng cho biết, trong số đó, 42% là các nước có thu nhập thấp.

Duy trì sự chăm sóc liên tục trong phạm vi có thể sẽ tránh được những hậu quả tiêu cực khác từ việc chăm sóc phòng ngừa chậm trễ, mãn tính hoặc thông thường. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa cũng có thể giúp duy trì mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà cung cấp dịch vụ khi việc thăm khám trực tiếp không thể tiến hành. Những bệnh nhân ở nhà có thể được trang bị để đo huyết áp hoặc kiểm tra lượng đường trong máu của họ và bác sĩ hoặc y tá có thể sẵn sàng tư vấn qua video.

Điều đáng nói nữa là dịch vụ Telehealth còn được đánh giá là mở ra cơ hội cho những người nghèo được tiếp cận sự chăm sóc y tế, bởi chi phí phù hợp. Chi phí cho khám bệnh trực tuyến vẫn rẻ hơn so với chi phí khi họ tới bệnh viện.

Không thể phủ nhận, công nghệ Telehealth đóng vai trò lớn trong việc chăm sóc sức khỏe cũng như cải thiện kết quả sức khỏe của bệnh nhân, nhất là trong giai đoạn bệnh dịch hoành hành. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người Mỹ tỏ ra nghi ngờ việc sử dụng các dịch vụ y tế kỹ thuật số vì lo ngại kết quả điều trị không chính xác. Một nghiên cứu của Đại học California năm 2016 đã cho thấy, các bác sĩ trực tuyến trên 16 ứng dụng Telehealth khác nhau đã chẩn đoán sai về tình trạng nghiêm trọng của bệnh da liễu.

Những thao tác thăm khám trực tiếp, xét nghiệm máu, nước tiểu... trong điều trị không thể thực hiện được từ xa, vẫn được cho là phương thức chữa bệnh không thể thay thế. Điện thoại thông minh cũng chỉ có thể thay thế được phần nào nhiệm vụ của ống nghe vì bệnh nhân có thể sử dụng microphone để tự thăm khám từ xa. Họ cũng có thể sử dụng một thuật toán để phân tích cơn ho và biết được liệu mình có vị viêm phổi hay không... Nhưng để biết chính xác nguồn cơn căn bệnh và phương thuốc hiệu quả, không gì có thể thay thế được những cách thức khám chữa bệnh truyền thống. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân lớn tuổi, việc tiếp cận và sử dụng công nghệ kỹ thuật số để được các bác sĩ trực tuyến khám bệnh hay tư vấn cũng không phải là điều đơn giản.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm