Chuyên gia dịch tễ: "chặt 3 mắt xích" lây lan SARS-CoV-2 để kiểm soát dịch Covid-19

Linh Trần
28/05/2021 - 12:29
Chuyên gia dịch tễ: "chặt 3 mắt xích" lây lan SARS-CoV-2 để kiểm soát dịch Covid-19

Tiêm vaccine là giải pháp hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, cần tập trung vào 3 mắt xích lây lan SARS-CoV-2 gồm nguồn lây nhiễm, đường lây truyền và người cảm nhiễm.

Điểm danh những biến thể SARS-CoV-2 nguy hiểm

Hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao trung bình mỗi ngày đều trên 3 con số, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh. Dư luận đặt câu hỏi, có phải virus SARS-CoV-2 đã ngày càng trở nên nguy hiểm hay không?

Về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, virus nói chung và virus SARS-CoV-2 nói riêng, trong quá trình lưu hành, sau nhiều lần sao chép và nhân bản có thể xuất hiện những biến đổi trong cấu trúc của gene. Nghĩa là có sự thay đổi ở một hoặc một số vị trí trên bộ gen di truyền so với bộ gene ban đầu, gọi là đột biến gene.

Khi quá trình lây nhiễm tăng nhanh, quá trình virus sao chép và nhân bản cũng gia tăng, các đột biến gene có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, dẫn đến khả năng xuất hiện biến thể cao hơn.

Trên thế giới, hiện đã phát hiện khoảng hơn 28.000 đột biến trên gene của virus SARS-CoV-2. Hầu hết các đột biến không làm thay đổi đặc tính của virus, nhưng có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến đặc tính sinh học như làm tăng khả năng lây nhiễm, tăng có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch hay làm tăng khả năng xâm nhập vào các tế bào biểu mô đường hô hấp.

Chuyên gia dịch tễ: 3 mắt xích chặt đứt nguồn lây virus biến thể SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM

Hiện nay, các biến thể đáng quan ngại (VOCs) bao gồm, biến thể B.1.1.7 (phát hiện ở Anh) đã được ghi nhận ở 155 quốc gia; Biến thể B.1.351 (ở Nam Phi) đã được ghi nhận ở 111 quốc gia; Biến thể P.1 (ở Brazil) đã được ghi nhận ở 62 quốc gia; biến thể B.1.617 (ở Ấn Độ) đã được ghi nhận ở 63 quốc gia. Tại Việt Nam, thời gian qua đã phát hiện nhiều biến thể mang đột biến virus SARS-CoV-2. Đó là biến thể Anh, biến thể Nam Phi, Biến thể Ấn Độ, biến thể gốc...

5 phương diện tác động của biến thể SARS-CoV-2

Theo GS. Phan Trọng Lân,  các tác động của biến thể SARS-CoV-2 chủ yếu trên 5 phương diện là: khả năng lây lan, độ nặng của bệnh, công tác xét nghiệm, tránh miễn dịch và điều trị. Ví như, về độ lây lan của các biến thể có sự khác nhau, qua nghiên cứu cho thấy rằng biến thể B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ; biến thể B.1.1.7 có thể lây cho đến 7 người khác. Các biến thể khác như B.1.351 (Nam Phi), P.1 (Brazil), B.1.617 (Ấn Độ) cũng được WHO báo cáo rằng có khả năng gia tăng sự lây nhiễm. Do vậy, nếu chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì khả năng lây lan dịch tăng theo cấp số nhân.

Hoặc về độ nặng và điều trị, thì biến thể B.1.1.7 (ở Anh) có khả năng liên quan đến việc tăng độ nặng và khả năng tử vong. Theo WHO, biến thể B.1.351 (Nam Phi) cũng có khả năng gia tăng nguy cơ tử vong trong BV và biến thể P.1 (Brazil) có khả năng gia tăng nguy cơ nhập viện. Mặt khác, theo ước tính về sự lây truyền virus ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm bệnh không triệu chứng là 30%; nghĩa là có khoảng 70% bệnh nhân sẽ phát triển triệu chứng sau nhiễm SARS-CoV-2. Ở những người có triệu chứng, trong đó có khoảng 20% mắc bệnh nặng và có 5% là rất nặng (sốc, rối loạn chứng năng đa cơ quan, suy hô hấp…). Do đó, nếu số ca mắc tăng lên nhiều thì sẽ gây quá tải cho hệ thống y tế, từ đó dẫn đến tăng số ca tử vong.

Chuyên gia dịch tễ: 3 mắt xích chặt đứt nguồn lây virus biến thể SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

Tập trung "chặt 3 mắt xích" lây lan SARS-CoV-2

GS. Phan Trọng Lân cho rằng, trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay để dự phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, cần tập trung vào 3 mắt xích: Một là nguồn lây nhiễm, hai là đường lây truyền, ba là người cảm nhiễm. Nếu mắt xích nào chưa đảm bảo thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa những mắt xích còn lại.

Đối với việc bảo vệ người cảm nhiễm bằng vaccine, hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế đang nỗ lực để có vaccine cho người dân và dựa trên hệ thống tiêm chủng sẽ nhanh chóng tiêm cho người trong diện tiêm chủng. Cần phải tiêm sớm và tiêm đủ liều theo hướng dẫn của Bộ Y tế để có đủ miễn dịch bảo vệ. Khi tỷ lệ bao phủ vaccine cao, không chỉ giúp cho cá nhân được bảo vệ bệnh nặng, tử vong mà còn giảm sự lây nhiễm SARS-CoV-2, ngăn lây lan và phát sinh các biến thể mới.

Đối với nguồn lây nhiễm, hiện nay, nước ta đã kiểm soát chặt chẽ các ca nhập cảnh theo đường chính ngạch, tuy nhiên, việc kiểm soát nhập cảnh trái phép, nhất là với những đối tượng chỉ quá cảnh qua Việt Nam, nếu không phát hiện được sẽ hoàn toàn mất dấu, khó kiểm soát nguồn lây; chưa kể việc không tuân thủ trong các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, là có thể xuất hiện các trường hợp F0.

Dù các biến thể hiện nay gây lây lan nhanh, cách ly vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để giảm, cắt đứt đường lây của SARS-CoV-2. Việc cách ly, giảm sự lây lan virus là từ đeo khẩu trang, giảm khoảng cách, cách ly kiểm dịch, cách ly y tế cho đến giãn cách xã hội.

Thông thường, virus SARS-CoV-2 lan rộng cần dựa vào "sự kiện siêu lây nhiễm", tức là những sự kiện đông người. Theo đó, mếu tổ chức buổi tiệc và mời 30 người khách, tụ tập đông người; ở lại lâu trong các môi trường, không gian kín, kém thông khí, nói to, trong thời gian lâu...là hành vi làm gia tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2. Nếu chúng ta ngăn được các sự kiện siêu lây nhiễm như vậy, các vụ dịch khó có cơ hội bùng phát. Ngoài ra, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm quy tắc 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế để hạn chế nguy cơ lây lan virus.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm