Các cấp Hội lên tiếng về nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

PV
26/11/2019 - 18:55
Các cấp Hội lên tiếng về nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em
Ngày 26/11, tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội thảo thực hiện chủ đề năm an toàn cho phụ nữ trẻ em. Tham dự có đại diện của các Ban chuyên môn của TƯ Hội và đại diện 5 tỉnh/thành Hội.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội (TƯ Hội LHPNVN), thực hiện chủ đề năm "An toàn cho phụ nữ trẻ em", các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động.

Cụ thể, TƯ Hội tổ chức Lễ phát động Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em trực tuyến tại hai điểm cầu Hà Nội và TPHCM với nhiều hoạt động phong phú đa dạng, với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ ngành.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ phát động Năm An toàn cho phụ nữ trẻ em

  

TƯ Hội cũng tổ chức các diễn đàn hội thảo hội nghị trao đổi kinh nghiệm tìm giải pháp khuyến nghị chính sách đề xuất chính sách như Hội thảo khoa học Quốc gia Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - khuyến nghị chính sách, Diễn đàn phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 7 với chủ đề An toàn cho phụ nữ trẻ em - nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tọa đàm Lên tiếng để hành trình của con an toàn...

Bên cạnh đó, các đơn vị truyền thông của Hội cũng tích cực tuyên truyền về chủ đề này. Báo PNVN triển khai 4 nhóm nội dung truyền thông trên các ấn phẩm: An toàn trên không gian mạng, Thành phố an toàn, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm. Báo cũng tổ chức Chương trình Mottainai 2019 có cuộc thi chạy Mottainai Run với chủ đề Cùng chạy vì an toàn của phụ nữ và trẻ em. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức 4 triển lãm tại bảo tàng, 10 triển lãm lưu động về an toàn cho phụ nữ trẻ em.

Các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng và nội dung: An toàn về hôn nhân gia đình, An toàn về môi trường ứng phó biến đổi khí hậu, An toàn sức khỏe, An toàn thực phẩm, An toàn giao thông, An toàn về kinh tế, tín dụng, An toàn không gian mạng và Truyền thông phòng chống mua bán người.

Về đề xuất xây dựng chính sách, giám sát và phản biện luật pháp chính sách về đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội cũng tích cực tham gia. Đơn cử như việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi với những quy định liên quan đến lao động nữ, các cấp Hội đã thu thập được 1.030.191 ý kiến. Riêng cấp Trung ương đã tổ chức 7 cuộc tọa đàm tại Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang, 1 hội nghị phản biện và gửi 4 công văn phản biện đối với Dự thảo này. Các vấn đề Hội tập trung góp ý, phản biện là những quy định có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động như: phạm vi điều chỉnh, tuổi nghỉ hưu, thời gian làm thêm giờ, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Về công tác hỗ trợ nạn nhân, Đoàn Chủ tịch đã ban hành hướng dẫn các cấp Hội về quy trình lên tiếng và tham gia giải quyêt các vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em; kịp thời chỉ đạo các cấp Hội xác minh, làm việc với cơ quan có thẩm quyền, thăm hỏi gia đình nạn nhân, lên tiếng 24 vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; ban hành văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật trên tinh thần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em; lên tiếng, trả lời phỏng vấn trên báo chí về quan điểm của Hội đối với các vụ việc; gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền 2 vụ việc.

Trước tình trạng ở nhiều địa phương, ngay từ những ngày đầu năm đã liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại, phụ nữ, trẻ em gái, TƯ Hội đã kịp thời lên tiếng qua các kênh truyền thông, ra thông cáo báo chí về một số vụ xâm hại phụ nữ, trẻ em; ban hành văn bản gửi lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về phương hướng nhiệm vụ thực hiện các hoạt động theo chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong thời gian tới.

Thông tin nhanh về tình hình xâm hại trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH), cho biết, trên thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 1 tỷ trẻ em, tương đương một nửa dân số trẻ em thế giới, gánh chịu bạo lực. Số liệu của 28 quốc gia châu Âu cho thấy, 90% trẻ em gái từng bị ép buộc quan hệ tình dục nói rằng các em là nạn nhân của chính người thân hoặc người quen biết.

Tại Việt Nam, trong 2 năm 2017- 2018, toàn quốc xảy ra 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại. Đây chỉ là những vụ được phát hiện và xử lý, thực tế lớn hơn nhiều, tính chất vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp.

Một thống kê khác cho thấy trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2019, mỗi tháng có 150 trẻ bị xâm hại, đồng nghĩa với việc mỗi ngày có 5 trẻ bị xâm hại.

Cũng theo bà Nga, kinh nghiệm của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản... cho thấy, khi pháp luật về bảo vệ trẻ em có quy định cụ thể về cơ chế tiếp nhận thông tin, bảo mật thông tin tố cáo và khi dịch vụ công tiếp nhận, xử lý thông tin được tuyên truyền rộng rãi, nhận thức của xã hội về thực hiện quyền trẻ em bảo vệ trẻ em được nâng cao và mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em hoạt động rộng rãi, hiệu quả hơn thì các vụ việc bạo lực, xâm hại được thông tin, tố cáo sẽ có xu hướng tăng lên.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm