Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn năm 2019 là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Nhấn mạnh vào chủ đề này, phải chăng đây cũng là một nguy cơ mà phụ nữ và trẻ em đang phải đối mặt, thưa bà?
An toàn là nhu cầu cơ bản của con người, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển, tiến bộ của cá nhân, là hạnh phúc của mỗi gia đình, và là điều kiện không thể thiếu cho sự bền vững của xã hội. Việt Nam là nước sớm tham gia các Công ước quốc tế về quyền con người và được đánh giá có hệ thống luật pháp, chính sách tiến bộ về phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Các quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn, bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo vệ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm... cũng là những quyền cơ bản của con người ghi trong Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người” là một trong những nhiệm vụ phải tập trung chỉ đạo thực hiện. Cùng với sự ổn định về chính trị, phát triển mạnh mẽ về kinh tế, các vấn đề an sinh xã hội, an toàn cho người dân thời gian qua đã được quan tâm tương đối toàn diện, thể hiện rõ bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Mặc dù vậy, vẫn còn những con số thống kê của các cơ quan chức năng chưa thể khiến chúng ta yên tâm: Trong giai đoạn 2012 - 2015 trung bình mỗi ngày cả nước có 61 phụ nữ, bảy trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, ba trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện. Năm 2018, số trẻ bị xâm hại tình dục trung bình mỗi ngày tăng lên con số 4,3 (*). Tỷ lệ trẻ em bị đuối nước của ta cao so với khu vực và thế giới, nạn buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới còn nhức nhối và thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Nghiên cứu của Liên hợp quốc (công bố năm 2012) chỉ ra: tổng thiệt hại do bạo lực giới ở Việt Nam ước tính 1,78% GDP. Với mong muốn có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân, từng cấp, từng ngành và cả xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn năm 2019 là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Lễ phát động được thực hiện với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, thể hiện rõ tầm quan trọng và tính thiết thực của vấn đề này.
Chính vì thực trạng vẫn còn nhiều mối nguy cho phụ nữ và trẻ em, nên an toàn không chỉ là chủ đề của một năm 2019 mà phải thành mối quan tâm thường trực. Vậy sự quan tâm này đã được cụ thể hóa thế nào, thưa bà?
Tôi cho rằng, phụ nữ, trẻ em là những đối tượng hơn ai hết cần được sống trong môi trường an toàn, nhưng họ cũng chính là chủ thể để kiến tạo xã hội an toàn cho mình và cho người khác. Bản thân mỗi người phải có kiến thức, kỹ năng sống, ý thức về sự an toàn; phải được học cách để biết tự bảo vệ cho mình và cho người khác từ trong gia đình, nhà trường đến xã hội.
Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời với tư cách là những người bà, người mẹ, người vợ, người chị, chúng tôi luôn trăn trở và ý thức rõ trách nhiệm của mình, luôn xác định mỗi cấp đều phải lấy sự an toàn của phụ nữ và trẻ em là một trong những mục tiêu hàng đầu để hành động. Chúng tôi đã có ý kiến đề xuất trên diễn đàn Quốc hội, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo lồng ghép giáo dục bình đẳng giới, kỹ năng sống vào chương trình học và sách giáo khoa; Chủ động tổ chức các cuộc hội thảo cùng đại diện Ban soạn thảo và hội đồng thẩm định chương trình một số môn học để trao đổi về giáo dục kỹ năng sống, bình đẳng giới trong chương trình phổ thông.
Rõ ràng, phải trang bị kỹ năng cho trẻ từ rất sớm, giúp các em có khả năng ứng phó với những tình huống bất ngờ... Có kỹ năng tốt, có thể nhiều người đã tránh được những hệ lụy thương tâm. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực, trách nhiệm và đã đưa ra nhiều góp ý xác đáng hướng tới sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách. Đơn cử như, góp ý và được tiếp thu bổ sung quyền thừa kế của trẻ em, bổ sung đối tượng “trẻ em lao động di cư” vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong Luật Trẻ em; bổ sung khoản cấm “cung cấp, sử dụng thông tin nhằm gây kỳ thị, phân biệt đối xử về giới” vào danh mục các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Tiếp cận thông tin; bổ sung trẻ em, nạn nhân bị bạo lực gia đình vào đối tượng là người được trợ giúp pháp lý trong Luật Trợ giúp pháp lý... và nhiều thành quả khác đã được xã hội ghi nhận.
Trước mối lo lắng của phụ nữ, đặc biệt vùng nông thôn, biên giới hải đảo là nhà vệ sinh, nhà tắm không có hoặc không bảo đảm an toàn, trong giai đoạn 2008 - 2018 chúng tôi đã vận động nguồn lực để hỗ trợ xây dựng 150.000 nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình và 30.000 nữa sẽ hoàn thành trong ba năm tới, không chỉ cho hộ gia đình mà cả điểm sinh hoạt cộng đồng. Hay sự ra đời và hoạt động của Ngôi nhà bình yên dành cho nạn nhân của bạo lực gia đình, bị buôn bán đã hỗ trợ cho hơn 1.000 phụ nữ và trẻ em đủ kiến thức, kỹ năng để trở về cộng đồng và sống an toàn; các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng đã trở thành chỗ dựa cho nhiều phụ nữ không may rơi vào tình trạng rủi ro, mất an toàn.
Ngoài ý thức tự bảo vệ mình tức trau dồi kỹ năng sống, theo bà còn những điều gì là mấu chốt quan trọng và dễ hiện thực hóa hơn để tạo nên môi trường an toàn cho tất cả mọi người nói chung, phụ nữ và trẻ em nói riêng?
Một lần ở Hà Lan, tôi chứng kiến và hết sức ngạc nhiên khi thấy một em bé chừng sáu, bảy tuổi một mình đi xe buýt đến trường. Tôi đã để ý quan sát và nhận ra rằng, trong suốt chặng đường đi, em bé luôn nhận được sự hỗ trợ một cách tự giác của những người lớn cùng đi, lên xuống xe buýt dễ dàng, biển báo, biển chỉ dẫn rõ ràng..., tóm lại là rất thuận tiện. Có lẽ thế nên cha mẹ em bé mới yên tâm để con đi một mình như vậy. Từ câu chuyện này, tôi nghĩ để tạo nên môi trường an toàn, ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, kỷ cương của xã hội thì quan trọng nhất không chỉ là kiến thức, kỹ năng mà còn là thái độ, hành động và ý thức trách nhiệm. Sự an toàn phải là nhu cầu tự thân và ý thức về sự an toàn cho mình và cho người khác phải trở thành thói quen, nếp sống và cao hơn là trở thành văn hóa của từng cá nhân, gia đình và cả cộng đồng.
Sẽ thật hạnh phúc nếu các bố mẹ có thể yên tâm để những đứa con nhỏ của mình tự đi phương tiện giao thông công cộng tới trường mà không buộc phải kè kè bên cạnh. Và để thực hiện được ước mong đó, vẫn cứ là toàn xã hội phải đồng lòng vào cuộc, thưa bà?
Trong hành trình hướng tới sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em, chúng tôi luôn nhận được sự phối hợp và đồng hành của các bộ, ngành, đoàn thể. Vừa qua, Bộ Công an đã đưa nội dung giáo dục về bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào giảng dạy tại Học viện Cảnh sát. Mới đây nhất, Hội đã ký kết chương trình phối hợp với Bộ Công an, Tòa án, Viện kiểm sát trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2017 - 2027... và một số chương trình phối hợp khác nữa. Tôi cũng đã nghĩ tới sự trợ giúp của công nghệ thông tin trong việc tạo ra một không gian công cộng an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hiện nay, nhiều địa phương đang nỗ lực để tạo ra các khu phố an toàn, đoạn đường nông thôn sáng đèn, v.v.
Trong xu thế nhiều tỉnh/thành phố đang xây dựng thành phố thông minh và ứng dụng công nghệ trong quản lý, hoàn toàn có thể tích hợp các tiện ích hỗ trợ sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em vào. Chúng tôi đang dự định sẽ làm việc với lãnh đạo một số địa phương để thúc đẩy lồng ghép việc bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em vào các mô hình quản lý khu dân cư và điều hành thông minh như thế và tin rằng sẽ nhận được sự hợp tác tích cực.
Vậy điều cuối cùng mà bà muốn gửi gắm cho một năm sẽ ăm ắp các sự kiện và hoạt động là gì?
Chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công nhưng vẫn còn một số việc phải làm. Những vấn đề đó không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, thậm chí một năm, nhưng nếu ngay từ hôm nay, an toàn cho mọi người được thực hiện bằng kỷ cương, bằng sự nỗ lực, ý thức, trách nhiệm và bằng cả trái tim thì “Bạn, cùng tôi và tất cả chúng ta đều có thể kiến tạo được xã hội an toàn”.
Trân trọng cảm ơn bà!