Các cấp Hội ở xã vùng cao đồng hành cùng hội viên giảm nghèo bền vững

Linh Trần
13/12/2022 - 20:20
Các cấp Hội ở xã vùng cao đồng hành cùng hội viên giảm nghèo bền vững

Các cấp Hội LHPN xã Tà Mung hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Các cấp Hội LHPN xã Tà Mung đã có nhiều biện pháp hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần giúp chị em nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước giảm nghèo bền vững.

Nhiều hội viên, phụ nữ cải thiện kinh tế

Để thu hút hội viên, thời gian qua các cấp Hội LHPN xã Tà Mung (huyện Than Uyên, Lai Châu) đã có nhiều biện pháp hỗ trợ. Ví như, Hội vận động hội viên hỗ trợ ngày công, thăm hỏi khi gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Đặc biệt, Hội đã hỗ trợ nhiều hội viên, phụ nữ tiếp cận vay vốn để sản xuất, tạo kế sinh nhai. Thông qua nguồn vay vốn và được hỗ trợ về cách làm kinh tế, nhiều hội viên, phụ nữ nỗ lực vươn lên, từng bước thoát nghèo.

Điển hình như gia đình chị Vì Thị Minh (bản Lun I, xã Tà Mung) với mô hình làm sợi dệt vải thổ cẩm. Chị Minh cho biết, trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn do chỉ trông vào nương ngô, sắn. Chị cũng muốn phát triển kinh tế để gia đình bớt khó khăn, nhưng trồng cây gì hay nuôi con gì thì chưa định hình được.

Các cấp Hội ở xã vùng cao đồng hành cùng hội viên giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Hội viên, phụ nữ Tà Mung phát triển kinh tế gia đình

Sau khi được Hội LHPN xã tư vấn, cũng như kết hợp các thông tin tìm hiểu chị nhận thấy nhu cầu về các mặt hàng thổ cẩm trên thị trường cao nên quyết định đi theo hướng này. Theo đó, chị lấy sợi về, mời các chị em trong bản đến làm cùng, sau đó mang đi bán. Mỗi tháng, trừ chi phí mỗi người cũng được hơn 3 triệu đồng tiền công. 

Ngoài làm thổ cẩm, chị còn bàn với chồng buôn bán gia súc. Bình quân, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 100 triệu đồng. "Nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội Phụ nữ mà đến nay gia đình tôi đã có thu nhập khá, đời sống được nâng cao", chị Minh chia sẻ.

Các cấp Hội ở xã vùng cao đồng hành cùng hội viên giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Chợ Tà Mung, nơi giao lưu, buôn bán của người dân

Cũng như chị Minh, gia đình chị Hoàng Thị Thơ (bản Tà Mung, xã Tà Mung) cũng đã thoát nghèo với mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Chị Thơ cho biết, hiện nay, mô hình của chị có trên 10 con lợn, 50 con gia cầm các loại, hơn 2.000m2 lúa. Đồng thời, gia đình chị mở thêm quán ăn phục vụ khách hàng, tổng thu nhập gia đình hơn 120 triệu đồng/năm.

Đồng hành cùng hội viên, phụ nữ

Chị Lò Thị Dân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Mung cho biết, Hội LHPN xã Tà Mung có 11 Chi hội với 677 hội viên. Do hầu hết chị em là đồng bào các dân tộc thiểu số nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vì thế, các cấp Hội xác định, phát triển kinh tế là biện pháp tốt nhất để hỗ trợ hội viên, cũng như thu hút chị em tham gia hoạt động Hội.

Các cấp Hội ở xã vùng cao đồng hành cùng hội viên giảm nghèo bền vững - Ảnh 3.

Người dân địa phương triển khai các hoạt động xây dựng kinh tế, xã hội

Theo chị Dân, để giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu, Hội bám sát chỉ đạo của Hội cấp trên; chủ động phối hợp các ban, ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hội cũng vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia lao động sản xuất, chăm sóc cây lúa, ngô, chè, quế, sơn tra, mắc-ca… đảm bảo thời vụ. Đồng thời, khuyến khích hội viên, phụ nữ khai thác tiềm năng, lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. 

Các cấp Hội ở xã vùng cao đồng hành cùng hội viên giảm nghèo bền vững - Ảnh 4.

Hàng hóa của người dân được bán tại chợ tà Mung

Ngoài ra, Hội LHPN xã tuyên truyền cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia phong trào thi đua "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hội vận động hội viên, phụ nữ tham gia đóng góp quỹ hội ở các chi hội; duy trì và xây dựng mô hình tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng và gây quỹ hoạt động với 7 mô hình tiết kiệm và đạt được gần 32 triệu đồng. 

Để lấy nguồn vốn hỗ trợ hội viên, Hội đã triển khai mô hình trồng lạc đỏ tại bản Khá, bản Pá Liềng, bản Xoong (xã Tà Mung) trên diện tích 1,85ha với 148 thành viên tham gia. Trung bình, mỗi vụ lạc cho thu hoạch gần 2 tấn. Số tiền thu được từ bán lạc được xung quỹ Hội, dành cho chị em vay không lấy lãi để có vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Các cấp Hội ở xã vùng cao đồng hành cùng hội viên giảm nghèo bền vững - Ảnh 5.

Các cấp Hội Phụ nữ xã Tà Mung đã có nhiều biện pháp hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, góp phần giúp chị em nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, từng bước giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, Hội duy trì hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên, phụ nữ tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư nuôi trồng các cây, con giống có chất lượng cao. Đến nay, tổng dư nợ tại ngân hàng CSXH huyện hơn 8 tỷ đồng với 6 tổ, 231 thành viên vay.

Với sự hỗ trợ về cách làm, đồng hành trong vay vốn phát triển kinh tế của Hội LHPN xã Tà Mung đã giúp hội viên, phụ nữ khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để đưa cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế, giúp hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm