pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các hộ gia đình dân tộc thiểu số do phụ nữ làm chủ có mức thu nhập cao hơn
Phụ nữ dân tộc thiểu số được trao quyền thì họ đã phát huy rất tốt trong việc phát triển kinh tế
Ông Đoàn Hữu Minh, Cán bộ Phòng Phát triển Bao trùm, Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) đã chia sẻ với Báo Phụ nữ Việt Nam về tầm quan trọng của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế ở khu vực dân tộc thiểu số và miền núi.
Bình đẳng giới giúp giảm thiểu những áp lực cho đàn ông
Bình đẳng giới là một nội dung cấp thiết và quan trọng cần được giải quyết để hướng đến một xã hội công bằng, bình đẳng, đảm bảo mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, chúng ta có mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và tăng cường đào tạo, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái.
Bình đẳng giới là một nhân tố tác động toàn bộ đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của một đất nước. Bình đẳng giới không chỉ giúp cho phụ nữ có cơ hội lên tiếng, được học tập, phát triển và thể hiện tiềm năng của mình mà còn giúp giảm thiểu những áp lực cho đàn ông.
Chúng ta thử tưởng tượng, nam giới và nữ giới tựa như hai cánh chim của một con chim. Một con chim không thể nào bay được nếu như chỉ có một cánh. Cũng giống như vậy, trong một gia đình khi chỉ có người đàn ông lo về kinh tế thì đó là một gánh nặng. Và xã hội nếu chỉ nam giới tham gia làm kinh tế thì không thể phát triển được. Chính vì vậy nam giới và nữ giới đóng vai trò tương đương nhau, quan trọng như nhau trong việc phát triển kinh tế xã hội.
Cần 257 năm để thu hẹp chênh lệch về kinh tế giữa hai giới
Theo Báo cáo các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) quốc gia năm 2020, Việt Nam có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu phát triển bền vững đến vào 2030 (mục tiêu 1 về xóa nghèo; mục tiêu 2 về xóa đói; mục tiêu 4 về giáo dục có chất lượng; mục tiêu 13 về các hành động bảo vệ khí hậu; mục tiêu 17 về quan hệ đối tác toàn cầu) nhưng rất tiếc mục tiêu số 5 về bình đẳng giới lại không nằm trong số những mục tiêu này.
Còn theo báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu năm 2020, thế giới phải cần đến 257 năm để thu hẹp hoàn toàn sự chênh lệch về kinh tế giữa hai giới.
Điều này cho thấy, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam còn rất nhiều công việc phải làm trong thời gian tới để thu hẹp khoảng cách về giới.
Ở Việt Nam, những năm qua, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực như xây dựng những khuôn khổ pháp lý quốc gia, có luật về bình đẳng giới, có các chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Đặc biệt, với phụ nữ dân tộc thiểu số, chúng ta đã có nhiều chương trình đặc thù và gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển Kinh tế Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó có riêng Dự án số 8 về thực hiện "bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất đối với phụ nữ và trẻ em". Đây là lần đầu tiên Chính phủ có một dự án riêng dành cho nội dung về bình đẳng giới và chúng tôi đánh giá đây là một giải pháp rất mạnh từ phía Chính phủ Việt Nam.
Những con số "biết nói" về bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Kết quả phân tích số liệu tách biệt giới tính giai đoạn 2015-2019 trong Báo cáo "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019" cho thấy, những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được khẳng định. Đó là tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số đã giảm 4,7%. Tỷ lệ hộ gia đình dân tộc thiểu số có kết nối internet (Wi-Fi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019.
Thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người dân tộc thiểu số năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hằng tháng của hộ gia đình dân tộc thiểu số có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam. Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em dân tộc thiểu số tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 và 2019. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ….
Đây là những minh chứng cho thấy, phụ nữ dân tộc thiểu số đang có những tiến bộ rõ rệt trong việc tham gia vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương cũng như hộ gia đình.