pnvnonline@phunuvietnam.vn
Các mô hình gia đình không khuôn mẫu nói lên điều gì về truyền thống gia đình Việt Nam?
Mong cầu hạnh phúc gia đình mãnh liệt của người chuyển giới
Anh M., một người chuyển giới nam tại TP.HCM cùng vợ đã đưa một bé gái vào đời với phương pháp thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, do chưa được pháp luật thừa nhận giới tính mới, anh không được chứng nhận là đã kết hôn với vợ mình, đồng thời không phải là người cha hợp pháp của con mình. Để được chấp nhận thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo, vợ anh M. đã phải làm thủ tục chứng minh là mẹ đơn thân.
Anh M. chia sẻ từ thời niên thiếu đã có những hình dung rất rõ ràng về một tương lai có được gia đình hạnh phúc, có vợ, có con. Khi đón con vào đời, anh và vợ đã có những phút giây vỡ òa về cảm xúc. Anh chia sẻ, dù anh và con không có quan hệ huyết thống, nhưng anh cảm nhận được những sự tương đồng rất rõ nét cả ở ngoại hình lẫn tính cách giữa hai cha con. "Anh luôn biết ơn vì sự hòa hợp của hai vợ chồng và tình yêu vô bờ với con đã giúp anh có một gia đình hạnh phúc mà anh hằng mong muốn", anh M. chia sẻ thêm.
Những đứa trẻ có hai mẹ, hai cha
Dự án cộng đồng Tôi Đồng Ý ghi nhận câu chuyện của một cặp đôi đồng tính nữ tại TP.HCM, chị T. và chị Tr., đã ở bên nhau 13 năm, nay đã có với nhau một em bé kháu khỉnh và cửa hàng kinh doanh chung.
Mặc dù vậy, gia đình hai chị vẫn chưa được thừa nhận là gia đình hợp pháp, bởi pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận hôn nhân giữa hai người cùng giới tính. Dù chị Tr. vẫn luôn có mặt xuyên suốt những thời khắc quan trọng nhất của thai kỳ, cũng như cùng vợ chăm sóc đứa bé từ khi mới lọt lòng, đứa trẻ vẫn chỉ được công nhận là con của "mẹ đơn thân" T.. Trên tất cả các loại giấy tờ, từ giấy xác nhận nằm viện, đến giấy khai sinh của bé, cặp đôi đều không được công nhận là bạn đời hợp pháp. Điều này khiến gia đình luôn cảm thấy bất an về những rủi ro nếu phải trải qua bệnh tật, tai nạn, hay các tình huống khẩn cấp khác khi nuôi con và sống chung với nhau.
Những gia đình không theo khuôn mẫu và khoảng trống thiếu lớp bảo vệ từ pháp luật
Cho tới 9/2024, có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, đảm bảo quyền hôn nhân bình đẳng cho 1,5 tỷ người trên toàn cầu. Gần đây nhất, Thái Lan đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức đi theo bước chân này.
Tại Việt Nam, các gia đình không tuân theo khuôn mẫu một vợ, một chồng hiện nay vẫn đang cùng nhau vun đắp tổ ấm hoàn toàn dựa trên tình cảm cá nhân và sự ủng hộ từ người thân, bạn bè mà chưa có lớp bảo vệ chắc chắn của pháp luật, xã hội. Một trong những trăn trở hàng đầu của các cặp đôi cùng giới đang sống chung và nuôi con là sự kỳ thị của xã hội về người LGBT có thể tác động tiêu cực đến con của họ, theo báo cáo "Sống Chung Cùng Giới" của Viện iSEE năm 2019. Vậy nên, thực tế cho thấy vẫn cần một sự thừa nhận chính thức từ pháp luật với những gia đình này, bởi chỉ khi pháp luật bảo vệ họ thì họ mới có thể bảo vệ con em của mình.
Các gia đình không khuôn mẫu tại Việt Nam vẫn đang kiên trì lên tiếng để nhận được sự bảo vệ toàn diện bởi pháp luật
Các gia đình không theo khuôn mẫu vẫn góp phần củng cố chế độ hôn nhân gia đình tại Việt Nam
Dù là gia đình truyền thống với bố mẹ và con cái, gia đình đồng giới, gia đình chuyển giới, gia đình đơn thân, hay những hình thức gia đình khác, tất cả đều có chung một điểm xuất phát: tình yêu. Tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau chính là nền tảng vững chắc để xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.
"Gia đình được xây dựng từ tình yêu chứ không phải giới tính," Á hậu Hoa hậu Hoàn vũ 2024 Vũ Thúy Quỳnh gần đây đã phát biểu trong phần thi ứng xử của mình như vậy. Việc công nhận và tôn trọng các hình thức gia đình mới không có nghĩa là phủ nhận giá trị của hôn nhân truyền thống. Trái lại, nó còn giúp xã hội nhìn nhận lại ý nghĩa sâu sắc của gia đình, của tình yêu và sự gắn kết.
Vào năm 2023, khảo sát về quan điểm về hôn nhân cùng giới tại 12 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy 65% dân số Việt Nam ủng hộ hôn nhân cùng giới, đứng thứ 2 trong khu vực. Điều này cho thấy người Việt ngày càng sẵn sàng đón nhận những hình thức gia đình hiện đại. Đây có thể là tiền đề cho những thay đổi thực chất về luật pháp cho những gia đình này, bổ sung thêm vào khái niệm "gia đình hạnh phúc" trong xã hội Việt Nam.