pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chủ động trước những thách thức mới của gia đình Việt Nam
Ảnh minh họa
Người Việt Nam luôn đề cao gia đình, coi gia đình là tổ ấm, nơi chở che, chốn đi về của mỗi người. Ở đó, các thành viên nhận được sự yêu thương, chăm sóc cả về vật chất và tinh thần. Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nhân cách của mỗi cá nhân.
Trong bối cảnh thời đại toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đang tạo ra nhiều cơ hội tốt để các thành viên gia đình tiếp thu tri thức mới, thực hiện các chức năng của gia đình.
Song, sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng đặt ra những thách thức mới với gia đình, đặc biệt là công tác quản lý, kiểm soát các luồng thông tin trái chiều, thậm chí độc hại trên mạng.
Tình trạng bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính khi sinh, ly hôn, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật… đang có xu hướng tăng, gây nhiều nỗi trăn trở trong xã hội. Những điều này cho thấy, gia đình thời hiện đại tiện nghi hơn, đầy đủ hơn nhưng cũng kém bền vững hơn, dễ xung đột hơn, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo hơn.
Bàn về vấn đề gia đình, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn cho rằng, mỗi thời đại có một khuôn mẫu gia đình phù hợp. Sự thay đổi của gia đình phản ánh một phần sự thay đổi của xã hội, dưới tác động của kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ…
Vì thế, việc đòi hỏi văn hóa gia đình hiện nay phải giống trước kia là điều khó. Bên cạnh đó, nhiều chức năng của gia đình giờ đây được giao phó cho xã hội, nhà trường… khiến vai trò điểm tựa vững chắc của gia đình trở nên mong manh.
"Đúng là, những mong ước về một gia đình hạnh phúc, ở đó có tình yêu thương, dành thời gian chia sẻ, gắn bó bền chặt với nhau đang dần hiếm hoi hơn ở các gia đình hiện đại. Sợi dây liên kết trong gia đình lỏng lẻo hơn.
Chức năng giáo dục trong gia đình thông qua tấm gương, bằng những gia quy, gia giáo, gia pháp, hay những thực hành nghi lễ để định hướng xây dựng giá trị đạo đức không còn được thực hành nghiêm cẩn như trước kia", tiến sĩ Bùi Hoài Sơn nhận định.
Chính vì thế, theo tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, để đảm bảo sự bền vững và phát triển, mỗi thành viên trong gia đình cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong giáo dục, định hình giá trị văn hoá gia đình.
Cha mẹ đóng vai trò chủ chốt trong việc giáo dục và định hình giá trị văn hóa cho con cái, phải làm tấm gương tốt trong hành vi, lối sống và cách ứng xử. Cùng với nhà trường, trong gia đình, cha mẹ cần quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và nhận thức về các giá trị truyền thống cho con cái.
Cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, áp lực mà con cái đang phải đối mặt để có sự hỗ trợ kịp thời...
Bên cạnh việc cha mẹ quan tâm, giáo dục con cái thì con cái cũng phải có trách nhiệm trong việc duy trì, giữ gìn nét đẹp văn hóa gia đình, bằng cách kính trọng cha mẹ và yêu thương các thành viên trong gia đình.
Tiếp thu những giá trị tốt đẹp từ cha mẹ, biết học hỏi và tự rèn luyện bản thân cũng như chủ động chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và khó khăn của mình với cha mẹ cũng là cách để con cái góp phần vào việc xây dựng gia đình hạnh phúc.