pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nữ nhân viên y tế Ấn Độ nhận mức lương bèo bọt
Ấn Độ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội vì Covid-19 đến ngày 3/5/2020. Thậm chí lệnh cách ly này còn có thể kéo dài hơn nữa nếu như tình hình dịch bệnh ở quốc gia Nam Á này vẫn phức tạp. Trong suốt thời gian qua, những thành viên nữ trong nhóm hoạt động vì sức khỏe cộng đồng của Ấn Độ (ASHA) đã hoạt động không biết mệt mỏi, góp công sức rất lớn trong chiến dịch kiểm soát Covid-19 ở đất nước hơn 1,3 tỷ dân này, dù họ phải chịu rất nhiều sức ép cũng như khó khăn.
Bà Alka Nalawade đã làm việc cho ASHA trong suốt 10 năm qua. Hằng ngày, bà đến từng ngôi nhà ở làng Pawarwadi, bang Maharashtra, để phổ biến kiến thức sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em. Vốn là một bà mẹ đơn thân trong một thời gian dài, hơn ai hết, bà Nalawade hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tự bảo vệ bản thân, chăm sóc con cái. Không nề hà công việc, bà Nalawade ghi chép, chỉ bảo cặn kẽ cho các hộ gia đình, đặc biệt là phụ nữ về việc ngừa thai, tiêm chủng… Buộc phải tiếp xúc với nhiều người, nhưng bà Nalawade lại không có khẩu trang y tế hay áp dụng bất kỳ biện pháp bảo vệ sức khỏe nào khác bởi hiện tại, Ấn Độ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng các thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE).
Chị Karuna Shinde, một thành viên khác của ASHA, làm việc ở thành phố Mumbai có điều kiện làm việc khá khẩm hơn. Không có khẩu trang, chị dùng khăn choàng che kín mặt để bảo vệ. Một số thành viên khác của ASHA tại đây được phát khẩu trang vải có thể giặt lại để dùng nhiều lần. Ngoài ra, họ sử dụng dung dịch sát khuẩn là cồn pha với nước.
Công việc vất vả nhưng mức lương của các nữ thành viên của ASHA lại quá rẻ mạt, chỉ 30 rupee (khoảng 10.000 đồng)/ngày. Ngoài mối đe dọa nhiễm bệnh, họ còn có nỗi lo về sự an toàn cho bản thân. Có những trường hợp nhân viên y tế bị tấn công, bị quấy rối tình dục… ở nhiều nơi trên cả nước.
Chị Karuna Shinde, một thành viên của ASHA cho biết, nếu bỏ công việc vì cộng đồng này để về làm ruộng, chị có thể kiếm được mức thu nhập cao hơn 10 lần. Công việc đồng áng tuy vất vả, nhưng chị không phải đối mặt với nguy hiểm và áp lực. Chị Shinde tâm sự: "Chồng tôi nài nỉ tôi không đi làm. Anh ấy nói rằng hãy để cho những người được trả lương xứng đáng, như bác sĩ hay điều dưỡng tới làm việc".
Mới đây, ông Rajendra Yadravkar, Bộ trưởng Bộ Y tế bang Maharashtra, đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Ấn Độ quan tâm đến 900.000 thành viên của ASHA: "Các nhân viên y tế của ASHA đang liều mạng vì mức lương rẻ mạt. Họ cần được bảo vệ và chính quyền phải có trách nhiệm hỗ trợ họ".
Trong thời gian qua, dư luận và các phương tiện truyền thông thường xuyên ca ngợi các bác sĩ và cảnh sát Ấn Độ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 mà quên đi những thành viên của ASHA. Họ được tuyển dụng từ vùng nông thôn và là những nhân tố chủ chốt trong hệ thống y tế cộng đồng ở Ấn Độ. Các nhân viên này phải đến từng nhà để tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, công tác tránh thai, tiêm chủng và vệ sinh dịch tễ. Nhưng họ sẽ sinh sống thế nào với mức lương rẻ mạt đó. Rồi chẳng may họ bị nhiễm Covid-19, liệu họ có bị bỏ rơi? Câu trả lời thuộc về chính phủ Ấn Độ trong bối cảnh những thành viên của ASHA đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi.