Các "nút thắt" trong mua sắm vật tư y tế được tháo gỡ như thế nào?

Linh Trần
10/03/2023 - 15:59
Các "nút thắt" trong mua sắm vật tư y tế được tháo gỡ như thế nào?

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân

Trước tình trạng khó khăn trong mua sắm vật tư y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 nhằm tháo nút thắt cho ngành y tế. Vậy, ngành đã gặp những khó khăn gì và các văn bản này đã tháo gỡ như thế nào theo ý kiến từ các chuyên gia.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 nhằm tháo nút thắt cho ngành y tế. 2 văn bản trên được ban hành đã nhận được những phản hồi tích cực. Các bệnh viện cũng cho rằng, đây là bước đột phá, giúp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế trong mua sắm vật tư y tế phục vụ người bệnh. Vậy, trước khi các văn bản trên được ban hành, việc mua sắm vật tư y tế gặp những khó khăn gì, hiện được giải quyết như thế nào là câu hỏi được dư luận quan tâm. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, các bệnh viện có một số khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. Trong đó có liên quan đến một số quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Bộ Y tế đã tổng hợp, đề xuất và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2023, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để tháo gỡ những khó khăn này. Cụ thể: 

Về vấn đề kê khai giá: Theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, tất cả các trang thiết bị y tế đều phải kê khai giá. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 200.000 sản phẩm với nhiều chủng loại khác nhau. Do đó việc kê khai gặp nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng đó, việc kiểm tra, xác định giá kê khai có đúng hay không của cơ quan quản lý cũng như các cơ sở y tế cũng rất khó khăn; Đồng thời, trong quy định về kê khai giá cũng có nội dung không mua bán cao hơn giá kê khai tại thời điểm mua sắm, trong khi chưa có quy định rõ ràng về thời điểm mua sắm.

Vì vậy, Bộ Y tế đã chủ động đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về việc kê khai giá đối với trang thiết bị, vật tư y tế theo hướng tất cả các trang thiết bị y tế phải thực hiện niêm yết giá theo quy định của Luật giá. Cùng đó, căn cứ vào khả năng thanh toán của cơ quan bảo hiểm hoặc của người mua và nhu cầu tình hình thực tiễn, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục trang thiết bị y tế phải kê khai giá. Như vậy, tại Nghị định sửa đổi (Nghị định 07), diện kê khai giá sẽ thu hẹp hơn và đảm bảo tính khả thi hơn, đồng thời việc quản lý cũng như kiểm tra mới đảm bảo được theo đúng quy định.

Về cấp số đăng ký: Theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP các giấy phép nhập khẩu đã được cấp trước đây đã hết hạn vào ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, việc cấp số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế chưa đáp ứng được yêu cầu, có sự chậm trễ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ và đã được chấp thuận, cho phép tiếp tục sử dụng các giấy phép nhập nhẩu đã được cấp đến ngày 31/12/2024. Đây là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện thủ tục thông quan các trang thiết bị y tế để cung cấp cho các cơ sở y tế, đáp ứng yêu cầu khám bệnh, chữa bệnh.

Về cơ chế quản lý: Sẽ chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm trang thiết bị y tế. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị định xác định từ năm 2025 sẽ chuyển từ hình thức tiền kiểm sang hậu kiểm; thống nhất quản lý trang thiết bị y tế bằng số lưu hành và có giá trị không thời hạn, gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp về thông tin trang thiết bị y tế và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong tổ chức thanh tra, kiểm tra.

Để thực hiện được nội dung này, từ nay đến 31/12/2024, Bộ Y tế tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện việc cấp giấy phép lưu hành để thay thế hoàn toàn cho các giấy phép nhập khẩu.

Về nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế: Nhằm tháo gỡ vướng mắc những khó khăn trong nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 46, Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP theo hướng: Việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng và tạm nhập, tái xuất thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; Bộ Y tế không cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng.

Các "nút thắt" trong mua sắm vật tư y tế được tháo gỡ như thế nào? - Ảnh 1.

Thiếu vật tư y tế đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh

Đồng thời, Nghị định cũng đã bổ sung cơ chế để có thể giải quyết nhanh nhất việc nhập khẩu trang thiết bị y tế thuộc các chương trình, dự án hỗ trợ từ vốn vay ODA để đảm bảo tối đa hiệu quả đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở y tế trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta còn nhiều khó khăn.

Trong vòng 3- 6 tháng tới, nhịp độ cung cấp trang thiết bị y tế cho nhu cầu của các cơ sở y tế sẽ cơ bản đáp ứng.

"Những khó khăn trong việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế liên quan đến Nghị định số 98/2021/NĐ-CP cơ bản đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP không quy định về mua sắm, đấu thầu. Vì vậy, một số quy định về vấn đề mua sắm, đấu thầu cũng đã được Chính phủ tháo gỡ tại Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 04 tháng 3 vừa qua ngay sau khi ban hành sau Nghị định số 07/2023/NĐ-CP.

Do đó, đối với những gói đầu đã được ký kết thì các trang thiết bị có thể nhập khẩu được ngay, còn những gói thầu mới cũng đã có cơ chế để xử lý. 

Tuy nhiên, về lâu dài như trong Nghị quyết 30 cũng đã nêu các bộ, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về thể chế. Có một số văn bản phải hướng dẫn ngay trong năm nay nhưng đồng thời cũng phải tiếp tục góp ý để hoàn thiện Luật Đấu thầu cũng như Luật Giá, trong đó có những điểm phải thể hiện đặc thù trong công tác quản lý của ngành y tế.

Ông Lợi cũng cho rằng, quản lý trang thiết bị y tế hiện nay còn nhiều nội dung khác. Ví như, cơ sở dữ liệu về trang thiết bị y tế hiện nay chưa có đầy đủ; tiếp đó bộ từ điển về trang thiết bị y tế cũng cần phải tiếp tục hoàn thiện ban hành để đảm bảo hội nhập quốc tế.

Đồng thời, việc cấp số đăng ký lưu hành cũng cần phải được đẩy nhanh, trong đó có việc áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để làm sao đảm bảo được việc cấp số nhanh chóng hơn, thông thoáng hơn, thuận lợi hơn để đáp ứng nhu cầu của cơ sở y tế nhưng vẫn chặt chẽ. Việc này theo lộ trình dự kiến đến tháng 9/2023, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ kế hoạch xây dựng Luật Trang thiết bị y tế để về lâu dài muốn quản lý trang thiết bị y tế tốt và phù hợp với hội nhập quốc tế thì phải có Luật về vấn đề này.

Hiệu quả của Nghị định 07/2023

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ban hành nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng trang thiết bị y tế nhập khẩu tại các cửa khẩu.

Nghị định số 07/2023/NĐ-CP là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm góp phần cung cấp cho ngành y tế các trang thiết bị có chất lượng, đúng giá trị và sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bộ Y tế giao trách nhiệm cho các đơn vị liên quan của Bộ Y tế tổ chức thực hiện và ban hành các văn bản hướng dẫn để thống nhất nhất thực hiện trong toàn ngành theo đúng quy định của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm