Cách nhận biết bánh mì chứa chất KBrO3 gây ung thư

29/06/2016 - 22:13
Bánh mì ruột không đặc, đường xẻ rãnh cao và cứng… là những dấu hiệu của một chiếc bánh mì có chứa chất phụ gia KBrO3.
Mới đây, Cơ quan tiêu chuẩn an toàn thực phẩm Ấn Độ (FSSAI) đã ban bố trên toàn quốc lệnh cấm sử dụng chất phụ gia potassium bromate (kali bromate hay KBrO3) trong các sản phẩm bánh mì.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các chuyên gia nghiên cứu một số mẫu bánh tại thủ đô New Delhi và phát hiện, chất Kali bromate có trong bánh là không an toàn.

Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách Khoa Hà Nội), về bản chất, Kali bromate là chất ôxy hóa mạnh gây hại cho sức khỏe con người. Chất này có tác dụng làm giảm thời gian nướng bánh, giúp bánh mì dai hơn và nở nhiều hơn.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, chất Kali bromate có trong thực phẩm được cho là liên quan đến bệnh ung thư tuyến giáp và ung thư thận. Chất này đã bị cấm tại nhiều quốc gia bao gồm EU, Brazil, Peru, Hàn Quốc và Trung Quốc nhưng Ấn Độ suốt thời gian qua vẫn cho phép sử dụng trong sản xuất bánh mì dù có một số quan ngại.

Trước thông tin này, người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra rất lo lắng bởi bánh mì là món ăn khá phổ biến của người Việt hiện nay.
banh-mi2.jpg
 Bánh mì là món ăn khá phổ biến của người Việt hiện nay
Chị Minh Hằng (38 tuổi, Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết, bánh mì là thức ăn sáng hàng ngày của gia đình chị. Bánh mì có thể chế rất nhiều cách ăn khác nhau như: Bánh mì chiên bơ, bánh mì kẹp trứng… và quan trọng là ăn bánh mì rất tiện, trẻ con có thể mang đến trường, người lớn có thể mang đến công sở khi thời gian hạn hẹp. “Không biết bánh mì ở Việt Nam có chứa phụ gia gây ung thư không? và Việt Nam có cấm sử dụng chất Kali bromate trong bánh mì không?" - đó là băn khoăn của chị Hằng cũng như rất nhiều bà nội trợ khác.

Tại Việt Nam, chất phụ gia bánh mì Kali bromate cũng đã bị cấm sử dụng theo công văn mới đây nhất số 62 ban hành ngày 13 tháng 01 năm 2015 của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Tại thời điểm đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh mì, nếu phát hiện sản phẩm có dư lượng Kali bromate trong sản xuất bánh mì thì yêu cầu cơ sở sản xuất ngưng hoạt động, báo cáo Cục ATTP để có hướng xử lý.

Tháng 5/2015, Chi cục ATVSTP TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thần Tài (phường 11, quận 6, TP.HCM), nơi sản xuất phụ gia bánh mì hiệu FIL CO có chất Kali bromate. Hiện đơn vị này đã ngừng sản xuất.

Từ đó tới nay, cơ quan chức năng chưa phát hiện thêm cơ sở sản xuất bánh mì nào có chứa chất Kali bromate.

Tuy nhiên, anh Trần Đình Chiến (chủ cửa hàng bánh mì trên phố Kim Hoa, Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, hiện làm bánh mì không thể thiếu phụ gia nhưng nếu sử dụng phụ gia an toàn, ở mức cho phép thì bánh mì sẽ thơm ngon và không hề độc hại.

Sử dụng phụ gia có ưu điểm giúp bánh nở nhiều hơn. Có phụ gia, 1 kg bột được 25 cái bánh mì, không có phụ gia, 1 kg bột được 20 cái bánh mì. Ngoài ra, phụ gia còn giúp làm bánh dễ hơn, hỗ trợ quá trình lên men bánh mì, làm tăng độ xốp của bánh.
duong-xe-ranh.jpg
Nhìn vào đường xẻ rãnh của bánh mì để nhận biết bánh mì chứa chất phụ gia KBrO3 
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại phụ gia bánh mì như emulsifiers, oxidant, enzyme, flour, gluten… Việc sử dụng phụ gia nhiều hay ít lại phụ thuộc vào "tâm người làm bánh".

Để tránh tình trạng mua phải bánh mì có chứa chất Kali bromate, anh Trần Đình Chiến khuyên người tiêu dùng cần quan sát điểm sau: Bánh mì chứa Kali bromate có đường xẻ rãnh rất cao và cứng. Ngoài ra, nếu ruột bánh không đặc thì khả năng bánh mì chứa Kali Bromate là rất cao.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm