Cách phòng tránh 3 tai nạn trẻ hay gặp ngày hè

17/05/2017 - 17:27
Ngày hè, trẻ được thoải mái vui chơi, trong khi nhiều phụ huynh lại không có điều kiện chăm sóc con. Vì thế, trẻ có nhiều nguy cơ bị tai nạn thương tích như đuối nước, hóc dị vật, tai nạn giao thông…
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi ngày, ở Việt Nam có hàng trăm trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó gần 20 trường hợp tử vong. Thống kê cho thấy, tai nạn thương tích trẻ em thường gặp gồm: Đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngã, bỏng, điện giật, động vật cắn…

Hóc dị vật
 
Đây là tai nạn thường gặp ở trẻ. Trong đó, trẻ từ 1 đến 4 tuổi thường bị hóc dị vật nhất. Nếu không cứu chữa kịp thời hoặc sơ cứu không đúng, trẻ sẽ bị nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong.
chetduoi-nd1.jpg
Bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhi bị tai nạn thương tích
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh không cho trẻ dưới 4 tuổi chơi các đồ chơi có kích thước và nhiều chi tiết nhỏ, các đồ chơi trẻ có thể nắm vừa trong lòng bàn tay; không để các vật dụng nhỏ như kim, chỉ, đinh ốc, hạt cườm, thuốc… trong tầm với của trẻ.

Phụ huynh cũng hạn chế cho bé ăn các loại thức ăn có nguy cơ gây hóc như các loại hạt; hướng dẫn để bé không ngậm đồ ăn, hạn chế hỏi chuyện hay gây chú ý với trẻ trong lúc ăn. Khi bé ăn các thực phẩm có như cá, tôm, cua... phụ huynh cần phải kiểm tra kỹ để tránh hóc cho trẻ.

Tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thương tích, thậm chí tử vong ở trẻ em.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khỏi bị tai nạn giao thông, phụ huynh cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông; khi trẻ qua đường phải có người lớn đi kèm và nắm chặt tay để tránh tình huống bé bỏ tay và chạy bất ngờ; phụ huynh cho bé đi ở những nơi có làn đường dành cho người đi bộ; đi đúng vỉa hè, cách xa các phương tiện giao thông.

Phụ huynh cũng không nên cho trẻ chơi ở lòng đường hoặc gần đường giao thông. Trường hợp nhà gần đường, gia đình cần làm hàng rào, cổng, cửa chắn, khóa cửa tránh trẻ lao ra đường.

Ngoài ra, phu huynh không điều khiển xe cộ sau khi uống bia, rượu, đồ uống có cồn; không phóng nhanh, vượt ẩu; phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông.

Đuối nước

Ngày hè, khí hậu nóng bức nên nhiều trẻ rất thích nghịch nước, bơi lội. Tuy nhiên, do thiếu sự kiểm tra, giám sát của người lớn, nhiều vụ đuối nước đau lòng đã xảy ra. Hiện nay, đuối nước không chỉ xảy ra ở các vùng sông nước, nông thôn, mà có cả ở những thành phố lớn.  
tre-tap-boi.jpg
Trẻ biết bơi có thể bảo vệ mình khỏi tai nạn đuối nước
Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi). Khi trẻ đi bơi phải có người lớn giám sát. Nếu nhà gần hồ bơi, ao hồ, giếng nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ không mở được.

Ngoài ra, trong nhà không nên để những lu nước, thùng nước để tránh tai nạn cho trẻ. Trường hợp quá cần thiết phải có thùng nước thì phải có nắp đậy.

Ngoài những tai nạn trên, còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến thương tích ở trẻ, ví như té ngã, bỏng, điện giật… Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm chú ý của người lớn khi trông trẻ.

Bởi chỉ một phút phụ huynh thiếu tập trung có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho trẻ. Bên cạnh đó, người lớn cần trang bị cho trẻ nhỏ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để tự bảo vệ mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm