Cải cách tiền lương để công chức không phải 'chân trong chân ngoài'

08/05/2018 - 18:36
Những bất cập trong chế độ đãi ngộ, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính sự nghiệp đã tồn tại nhiều năm, khiến họ buộc phải tìm cách lách “chân trong chân ngoài”, không thể toàn tâm toàn ý cho công việc.

Theo TS Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, chế độ đãi ngộ, tiền lương công chức, viên chức qua thực tế nhiều năm cho thấy không hợp lý. Hầu hết cán bộ, viên chức đều nhận thấy “đồng lương không tương xứng với thời gian, công sức, chất xám, sức lao động bỏ ra. Đặc biệt là chế độ tiền lương đó không đủ để trang trải được mức sống cơ bản, tối thiểu".

Nước ta đã có 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào năm 1960, 1985, 1993 và năm 2003 với mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức trong khối cơ quan hành chính sự nghiệp có thể yên tâm với công việc. Nhưng thực tế, theo bà Ngọc Anh, những lần cải cách lại rất nhỏ giọt, bị "nhòa đi" trong đời sống xã hội luôn có sự biến động; lương chưa tăng thì giá cả đã tăng rồi.

tien-luong.jpg
Mức lương ít ỏi; để đảm bảo cho cuộc sống thì công chức viên chức phải tìm kiếm làm thêm “chân trong, chân ngoài”

 

Công chức viên chức đang phải hưởng mức lương ít ỏi; để đảm bảo cho cuộc sống thì họ phải tìm kiếm làm thêm “chân trong, chân ngoài”. Dù việc làm thêm tận dụng chất xám, không vi phạm pháp luật, thì họ cũng không  toàn tâm toàn ý cho công việc chính nữa. ”Đây chính là vòng luẩn quẩn, không tạo cho cán bộ, công chức toàn tâm cống hiến cho công việc. Nếu không có cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện, tổng thể với chiến lược lâu dài thì dần dần sẽ mất đi nguồn chất xám, nhân lực chất lượng cao”, bà Ngọc Anh nói.

Còn theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở cải cách chính sách tiền lương, không thể nào không cải cách bộ máy, chế độ công vụ. Bộ máy cồng kềnh thì không quỹ lương nào chịu được.

TS Trần Du Lịch cho rằng, cách tinh giản biên chế hiện nay không phù hợp, nặng về kiểu tinh giản cơ học; đặt ra mục tiêu cơ quan này, cơ quan kia giảm 10%. Điều này dẫn tới tình trạng chỗ cần thì không có người làm, chỗ đông người nhưng việc ít.

Ông Trần Du Lịch nêu ra ví dụ về lực lượng thanh tra để thấy sự cồng kềnh, như thanh tra trật tự xây dựng, thanh tra giao thông, y tế, môi trường… Ngành nào, cấp nào cũng có thanh tra thì bộ máy cồng kềnh, quỹ lương làm sao chịu được?

Như các nước, ở đô thị lực lượng cảnh sát đô thị phải xử lý nhiều việc. Họ xử lý xây dựng trái phép, việc gây ô nhiễm môi trường, xử lý hàng gian, hàng giả… “Đáng lý chúng ta phải xây lực lượng thanh tra, kiểm tra giống như kiểu một ông thiên lôi, và chỉ có một ông thiên lôi. Còn như ngành nào, cấp nào cũng có thiên lôi thì bộ máy đương nhiên sẽ cồng kềnh.”, TS Trần Du Lịch khẳng định.

Nhìn nhận về chế độ tiền lương, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng: Quá trình cải cách chính sách tiền lương của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập như: Tiền lương khu vực công còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình họ; thiết kế hệ thống bảng lương còn phức tạp, chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa thực sự tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động...

cong-chuc.jpg
Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang

 

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cải cách tiền lương bằng các mục tiêu, lộ trình cụ thể; trong đó với khu vực công: Từ năm 2018 đến năm 2020, tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm không thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế; không bổ sung các loại phụ cấp mới theo nghề. Hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập…

Từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị từ năm 2021.

Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ (2 đến 3 năm) thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng CPI, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của NSNN.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.

Từ năm 2003 đến nay đã 11 lần điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu chung từ 210.000 đồng lên 1.300.000 đồng/tháng (tăng thêm 519%, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng cùng kỳ là 208,58%).

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm