Cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em

Bài và ảnh: An Khê
28/04/2021 - 20:48
Cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em

Ảnh minh họa

Đây là một trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Chính phủ và là một trong 10 mục tiêu y tế quốc gia được triển khai trên 100% số xã trong toàn quốc. Hầu hết các địa phương đều có ban chỉ đạo liên ngành và ban điều hành mục tiêu.

Ngày 28/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý dự thảo báo cáo đánh giá thực trạng và đề xuất chính sách dinh dưỡng trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030.

Được biết, theo đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và người Việt Nam so với 6 Mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu của Hội đồng Y tế thế giới (WHA) đến năm 2025 dựa trên số liệu có sẵn từ các cuộc điều tra quốc gia trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được một mục tiêu về giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân, đúng tiến độ cho 4 mục tiêu khác (giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, giảm tỷ lệ gầy còm ở trẻ em) nhưng chưa đạt đúng tiến độ trong kiểm soát thừa cân ở trẻ em. 

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em - Ảnh 1.

Việt Nam đã đạt được một mục tiêu về giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân, đúng tiến độ cho 4 mục tiêu khác

Việt Nam đã đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi (từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu dinh dưỡng tổng thể của Mục tiêu dinh dưỡng toàn cầu - (WHA) đến năm 2025 và các Mục tiêu phát triển bền vững thì vẫn cần nhiều nỗ lực (giảm tỷ lệ thấp còi xuống 16% vào năm 2020). 

Bên cạnh đó, có sự chênh lệch lớn về suy dinh dưỡng trẻ em giữa các vùng, đặc biệt là giữa thành thị (12,4%), nông thôn (14,9%) và miền núi (38,0%). Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng (sắt, kẽm, iốt, vitamin A) vẫn ở mức độ có ý nghĩa trung bình đối với sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ năm 2020 là 16,2%; 19,6% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu máu do thiếu sắt vào năm 2020. 

Đồng thời, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ 5-19 tuổi là 19,0% (so với 8,5% năm 2010), các bệnh không lây nhiễm do chế độ ăn uống đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở khu vực thành thị với 18,9% người trưởng thành bị tăng huyết áp, 15,6% thừa cân và 4% mắc bệnh đái tháo đường (STEPs 2015). 

Như vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng: Thiếu dinh dưỡng - Béo phì - Thiếu vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến các can thiệp có độ bao phủ hạn chế nhất bao gồm: Thiếu sự truyền thông về dinh dưỡng và các yếu tố nguy cơ ở các cấp bao gồm quốc gia, cấp tỉnh và cấp độ cá nhân để nâng cao nhận thức về kiến thức và thực hành dinh dưỡng để phòng chống suy dinh dưỡng ở mọi hình thức. 

Ngoài ra còn có rào cản về ngôn ngữ và văn hóa ở các vùng miền núi và thiếu thông tin chính thống dẫn đến sự không đồng nhất về thông tin ở thành thị qua các phương tiện truyền thông xã hội đôi khi làm mất kiểm soát.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cũng theo khảo sát này, rào cản khiến cho độ bao phủ của can thiệp bị giới hạn nhiều nhất là can thiệp về điều trị nội trú trẻ suy dinh dưỡng cấp tính, bổ sung dinh dưỡng và tư vấn cho người cao tuổi, đánh giá và tư vấn dinh dưỡng hợp lý, bổ sung sắt/folic cho phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ, cung cấp bột đa vi chất cho trẻ 6-23 tháng tuổi. 

Yếu tố cản trở nhiều nhất chính là thiếu kinh phí và vật tư thiết yếu để triển khai can thiệp, thiếu giám sát hỗ trợ từ tuyến trên, thiếu trang thiết bị phù hợp và chất lượng của dịch vụ tại tuyến y tế cơ sở. 

Hệ thống theo dõi giám sát không đánh giá được mức độ bao phủ các can thiệp và chưa tầm soát được mức độ đầu tư cho dinh dưỡng ở các cấp và các ngành. Đối với sự tham gia của cộng đồng, mặc dù mọi người tập trung và các vấn đề dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng kiến thức và nhận thức của cộng đồng về dinh dưỡng còn hạn chế, đặc biệt là tầm quan trọng của chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bệnh không lây nhiễm liên quan đến các yếu tố nguy cơ, việc tìm kiếm dịch vụ y tế của người dân (bao gồm cả điều trị và dự phòng) vẫn còn bị động, và vẫn còn khoảng cách lớn về kiến thức và thái độ giữa khu vực thành thị và những nơi khó khăn.

Mục tiêu chung Giai đoạn 2021-2030: Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý theo đúng nhu cầu để đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu theo vòng đời nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ cho mỗi người dân Việt Nam ở mọi vùng miền, chú trọng phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, thấp còi, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm có liên quan đến dinh dưỡng, đảm bảo dinh dưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp.

Tầm nhìn đến năm 2040: Mọi người dân Việt Nam đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, bình đẳng và bền vững khống chế các thể suy dinh dưỡng xuống mức thấp, kiểm soát các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

6 mục tiêu cụ thể:

- Đảm bảo chế độ ăn đa dạng, hợp lý và an toàn cho mọi lứa tuổi và mọi đối tượng theo vòng đời, nhóm đối tượng có nguy cơ cao, người bệnh.

- Hạ xuống mức thấp các thể thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em, ưu tiên vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, ưu tiên vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Khống chế thừa cân béo phì, các bệnh mạn tính không lây và các yếu tố nguy cơ có liên quan.

- Nâng cao khả năng ứng phó về dinh dưỡng trong mọi tình huống khẩn cấp và biến đổi khí hậu, đặc biệt ở tỉnh có nguy cơ cao.

- Nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm