Cán bộ làm công tác trẻ em: Mang tiếng làm "dâu trăm họ" mà không được công nhận là dâu

Phúc Nguyên
28/05/2020 - 06:43
Cán bộ làm công tác trẻ em: Mang tiếng làm "dâu trăm họ" mà không được công nhận là dâu
"Điều bất cập nhất đó chính là đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức vì chưa có tính chính danh. Văn bản quy phạm pháp luật công tác cán bộ cấp xã hiện nay không có công chức làm công tác trẻ em. Họ rất tâm tư nói với tôi rằng, đảm nhiệm công việc này không khác gì kiểu "làm dâu trăm họ", mang tiếng làm dâu mà không được công nhận là dâu!" – ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền – PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Phú Yên, chua chát.

Nền tảng pháp lý nào bảo vệ trẻ em?

Là người có công việc chuyên môn gắn với lĩnh vực trẻ em nhiều năm nay, và là một đại biểu quan tâm rất lớn đến vấn đề trẻ em, nhiều lần đăng đàn trước Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Hiền dành phần tham luận của mình để nói về bất cập của đội ngũ cán bộ trẻ em. Cán bộ làm công tác trẻ em kiêm nhiệm, không có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm, không được coi trọng chức danh – dường như không phải là vấn đề mới đặt ra, tuy nhiên chưa có sự đầu tư quan tâm thỏa đáng.

"Trong một cuộc đối thoại giữa trẻ em và lãnh đạo tỉnh Phú Yên, chúng tôi  nhận được câu hỏi của trẻ em rằng: Hành lang pháp lý bảo vệ trẻ em trước vấn nạn xâm hại được xây dựng trên nền tảng nào? Góc nhìn này buộc chúng ta phải xem xét một vấn đề ngược lại, phải chăng hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em nhìn vào thì nghĩ là đủ, nhưng tính răn đe mạnh mẽ vẫn chưa đủ? Hay nói cách khác, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ chỉ mới mang mô hình của một ngôi nhà chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc" – ĐB Minh Hiền chia sẻ.

Cán bộ làm công tác trẻ em: Mang tiếng làm "dâu trăm họ" mà không được nhận là dâu - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh: quochoi.vn

Nữ đại biểu đặt vấn đề, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đang tham gia vào guồng máy vận hành chung cũng đều có một mối liên hệ đặc biệt của mình đối với trẻ em. Ngoài cha mẹ thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cho đến giáo viên, nhân viên y tế, công an, cán bộ trẻ em đều có vai trò quan trọng trong việc xác định, phòng ngừa và giải quyết mối nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, thời gian vừa qua có không ít vụ việc trẻ em bị xâm hại, sau khi báo chí đưa tin thì lãnh đạo địa phương mới biết. Sự lỏng lẻo của nền móng còn thể hiện ở chỗ phòng, chống xâm hại trẻ em là nhiệm vụ chung của các cơ quan chức năng trong việc phối hợp, nhưng thực tế sự phối hợp giữa các cơ quan này lại thiếu chặt chẽ, rời rạc. Thậm chí, có nơi còn mặc định liên quan đến trẻ em là ngành lao động, thương binh và xã hội phải tham mưu, xâm hại trẻ em thì ngành công an phải chịu trách nhiệm.

Khi cán bộ công tác trẻ em bị xem nhẹ

Điều bất cập nhất được ĐB Hiền nhấn mạnh, đó chính là đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức vì chưa có tính chính danh. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác cán bộ cấp xã hiện nay không quy định chức danh công chức làm công tác trẻ em.

Hầu hết cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã chủ yếu là do công chức lao động, người có công và xã hội kiêm nhiệm với khối lượng công việc quá tải. Một số địa phương bố trí người hoạt động không chuyên trách gồm 3 công việc dân số, gia đình và trẻ em, chịu sự quản lý chuyên môn của 3 đầu mối cấp trên.

"Có không ít cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã rất tâm tư nói với tôi rằng, họ không khác gì kiểu "làm dâu trăm họ", mang tiếng làm dâu mà không được công nhận là dâu. Còn về nguồn lực, nếu nói ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính dành cho công tác trẻ em hiện nay đã được đảm bảo đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thì xin khẳng định luôn đó chỉ là một câu chuyện cổ tích" – nữ đại biểu nhìn nhận.

ĐB Minh Hiền thẳng thắn, chỉ nói riêng để phòng, chống xâm hại trẻ em muốn làm hiệu quả thì không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, bởi vì nguồn kinh phí cho công tác này không được bố trí riêng. Các chương trình, kế hoạch, đề án theo từng giai đoạn thì nhiều, nhưng kinh phí không được bao nhiêu, với tỉnh khó khăn thì còn eo hẹp hơn.

"Dù không muốn so sánh khập khiễng, nhưng nếu liên tưởng về hình ảnh giữa những dự án nghìn tỷ từ nguồn đầu tư công đang đắp chăn, đắp chiếu và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng manh trong ngôi nhà xập xệ, không đủ che mưa che nắng, có nguy cơ xâm hại rất cao, tôi lại thấy rất xót xa. Liệu rằng khi ghép hình ảnh ấy lại với nhau thì đó có phải là một bức tranh xã hội đầy bi kịch hay không?" – ĐB băn khoăn.

Cán bộ làm công tác trẻ em: Mang tiếng làm "dâu trăm họ" mà không được nhận là dâu - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ba nhóm giải pháp bảo vệ trẻ em

Từ thực trạng trên, nữ đại biểu này kiến nghị nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng, có như vậy mới tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ vững chắc và hiện hữu.

Thứ nhất là đầu tư thích đáng về con người, chăm lo, giáo dục, nâng cao giá trị con người, là đầu tư đào tạo, bồi dưỡng cho độ ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Thứ hai là các hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu đối với các cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương để xảy ra quá nhiều tình trạng xâm hại trẻ em.

Thứ ba là tăng cường nguồn lực chính đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, trong đó có việc ban hành các chính sách xã hội dành cho trẻ em yếu thế, bị thương tổn, phát triển công tác xã hội trong trường học, chứ không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý học đường.

"Xin đừng vẽ cho trẻ về ngôi nhà cổ tích, về câu chuyện cổ tích quá long lanh giữa một môi trường còn quá nhiều cạm bẫy. Đối với trẻ đã hứa thì phải làm, thương yêu thì phải hành động, bảo vệ trẻ thì phải mạnh mẽ và có lẽ việc nghiên cứu xây dựng Luật Phòng, chống xâm hại trẻ em cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong tương lai gần" – ĐB Hiền khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm