Cần đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở cấp hoạch định chính sách

Thu Hà
15/08/2023 - 17:36
Cần đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở cấp hoạch định chính sách

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương (trái) chủ trì tọa đàm

Ngày 15/8, TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Tham vấn chuyên gia về giám sát mục tiêu 5.4 và 5.5 Quyết định 622/QĐ-TTg, Kế hoạch hành động Quốc gia, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững".

Tọa đàm được chủ trì bởi Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương; cùng sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, các ban/đơn vị thuộc TƯ Hội LHPN Việt Nam, nguyên lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và các đại biểu liên quan khác.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước, vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, Hội LHPN Việt Nam đặc biệt quan tâm tới mục tiêu số 5 "Đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái", trong đó có Mục tiêu 5.4 và 5.5. Thông qua tọa đàm, Hội LHPN Việt Nam mong muốn lăng nghe ý kiến của các Bộ, ngành là cơ quan chủ trì trực tiếp việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên để Hội nắm được tình hình thực hiện cung như các khó khăn, vướng mắc, bất cập khi thực hiện các Mục tiêu này trong thực tế, từ đó cùng đưa ra những giải pháp, kiến nghị, đề xuất thực hiện tốt hơn mục tiêu này.

Báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu 5.4, Quyết định 622/QĐ-TTg, bà Ngô Thị Diệu Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, cho biết, đối với mục tiêu 5.4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội LHPN VIệt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các kế hoạch nhằm đảm bảo bình đẳng trong việc nội trợ và chăm sóc gia đình; công nhận việc nội trợ và các chăm sóc không được trả phí; tăng cường các dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo trợ xã hội, các dịch vụ hỗ trợ gia đình, chăm sóc trẻ em.

Cần thay đổi nhận thức của người đứng đầu để công tác Bình đẳng giới đạt hiệu quả thiết thực - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Trong bối cảnh toàn thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, tài nguyên cạn kiệt, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến nền kinh tế thế giới suy thoái, tình trạng mất việc làm gia tăng, nhất là đối tượng phụ nữ càng phải đối mặt với nguy cơ này. Vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện Mục tiêu 5.4.

Cùng với đó, các đơn vị cũng thực hiện lồng ghép Mục tiêu 5.4 trong chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành/lĩnh vực theo cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện. Cụ thể, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của công việc chăm sóc không được trả phí và công việc nhà; nâng cao nhận thức về bình đẳng trong công việc chăm sóc không được trả phí và công việc nhà giữa các thành viên trong gia đình.

Kể từ năm 2020, việc chăm sóc không được trả phí và công việc nhà được xem xét luật hóa, coi đó như một hoạt động tạo giá trị gia tăng của xã hội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng xây dựng và nhân rộng các mô hình như "Người cha trách nhiệm", "Các thành viên nam nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình" nhằm tăng cường sự tham gia của nam giới trong chia sẻ việc nhà, thúc đẩy động viên nam giới tham gia các lớp học tiền sản, chăm sóc con cái, tạo cơ hội cho gia đình thêm gắn bó, hỗ trợ nhau trong công việc và cuộc sống.

Đánh giá kết quả thực hiện, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, nhận định các Bộ, ban, ngành đã làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật hoá công việc chăm sóc không được trả phí và công việc nhà, coi đó như một hoạt động tạo giá trị gia tăng cho xã hội; Phân tích đánh giá chỉ tiêu tỷ lệ thời gian làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công theo Quyết định số 681/QĐ-TTg ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bề vững đến năm 2030 và Thông tư số 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/01/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời tăng cường các dịch vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và các chính sách bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, việc thực hiện Mục tiêu 5.4 vẫn còn gặp phải một số rào cản như nhận thức của xã hội về vai trò và tầm quan trọng của công việc chăm sóc không được trả phí và công việc nhà vẫn còn hạn chế; công việc tuyên truyền chưa thu hút được nhiều nam giới tham gia. Cùng với đó, cơ hội để phụ nữ có thể tiếp cận việc làm có thu nhập cao vẫn thấp hơn so với nam giới, đặc biệt, tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em hiện nay ngày càng diễn biến tinh vi và phức tạp. Vì vậy, việc vận hành và duy trì các mô hình trợ giúp xã hội hội đã được triển khai tại nhiều địa phương nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chưa triển khai được nhiều dịch vụ đa dạng, đầy đủ.

Từ đó, phía Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra các bài học kinh nghiệm và giải pháp thiết thực nhằm cải thiện những hạn chế trên để việc thực hiện Mục tiêu 5.4 đạt được hiệu quả thiết thực, trong đó nhấn mạnh việc cần có cơ chế thống nhất trong việc phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiệu tốt các mục tiêu phát triển bền vững. Công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu cũng cần được tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, truyền thông đa dạng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo khung pháp lý cho vệc thực hiện.

Đối với việc thực hiện Mục tiêu 5.5 Quyết định 622/QĐ-TTg, ông Trần Xuân Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ - cho biết, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội LHPN VIệt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Đề án tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo ở tất cả các cấp hoạch định chính sách. Từ đó, hoàn thiện cơ chế hiện hành trong tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo các cấp theo hướng đảm bảo bình đẳng giới; kết hợp với truyền thông thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách và của toàn xã hội về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong tham chính.

Cần thay đổi nhận thức của người đứng đầu để công tác Bình đẳng giới đạt hiệu quả thiết thực - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Theo ông Trần Xuân Hiền, Bộ Nội vụ cũng đưa tiêu chí về công tác cán bộ nữ trong đánh giá, kiểm điểm hàng năm của các cơ quan, đồng thời đề xuất sửa đổi các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Đặc biệt, Bộ Nội vụ cũng thúc đẩy các mô hình vườn ươm lãnh đạo nữ trẻ để tạo nguồn lãnh đạo nữ; tiến cử phụ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo trong các cơ chế/tổ chức khu vực và quốc tế; phát triển, kết nối mạng lưới cán bộ nữ, giới thiệu cán bộ nữ tiềm năng, tổ chức các hoạt động hướng dẫn kèm cặp giữa cán bộ nữ có kinh nghiệm và cán bộ nữ trẻ. 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ, thẳng thắn nhận định, thực tế cho thấy so với các chỉ tiêu đề ra thì tỷ lệ nữ lãnh đạo quản lý đang còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của các tầng lớp phụ nữ, nhìn chung tuyệt đại bộ phận các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ở các cấp đều có tỷ lệ nam giới cao hơn; nguồn cán bộ nữ còn thiếu, ở một số lĩnh vực tỷ lệ cán bộ nữ trong quản lý và lãnh đạo đang có xu hướng sụt giảm; một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ cán bộ nữ cấp ủy dưới 10%, thậm chí chưa có nữ đại biểu Quốc hội và nữ trong Ban thường vụ cấp ủy. 

Trong 10 năm qua, luôn duy trì tỷ lệ khoảng dưới 50% các cơ quan bộ, ngang bộ chưa có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tính trong tổng thể bộ máy hệ thống chính trị, tỷ lệ phụ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy hành chính (Chính phủ, các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp) chưa bao giờ đạt chỉ tiêu đề ra; phần lớn nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý tập trung ở các cơ quan khác như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam...

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do các cấp ủy, chính quyền trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu chưa thực sự có quyết tâm chính trị đủ để tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về chính sách đối với cán bộ nữ và công tác cán bộ nữ; nhận thức chưa đầy đủ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người có ảnh hưởng về công tác cán bộ nữ và vai trò của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và năng lực hoạch định chính sách của phụ nữ.

Cùng với đó, các yếu tố truyền thống, quan niệm không phù hợp và định kiến về giới vẫn tồn tại trong xã hội; ngay từ trong gia đình, cơ quan và bản thân phụ nữ còn nặng về tâm lý e ngại, tự ti; chưa dám khẳng định vị thế, vai trò của nữ giới và cán bộ nữ trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác hoạch định chính sách; đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ thiếu về số lượng, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm và hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới, đặc biệt ở địa phương, cơ sở.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục những hạn chế nêu trên, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có những chủ trương, giải pháp đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách, bởi đây là khâu, là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định và tạo đột phá để thực hiện mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực của đời sống xã hội trong giai đoạn tới.

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia tham vấn về việc giám sát thực hiện Mục tiêu 5.4 và 5.5, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, TƯ Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu đảm bảo phù hợp thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng việc giám sát thực hiện, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm