Cần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã

PV
10/11/2022 - 10:42
Cần hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã

Đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Để thúc đẩy kinh tế tập thể, thương mại miền núi phát triển, một số đại biểu Quốc hội đề nghị, trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Thảo luận nội dung này, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã. Số lượng hợp tác xã không ngừng tăng lên, doanh thu và thu nhập của thành viên người lao động trong hợp tác xã nhận được cải thiện, giúp nâng cao đời sống kinh tế của các hộ thành viên.

Tuy nhiên, qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật cho thấy phát triển khu vực kinh tế tập thể chưa đa dạng về mô hình, quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế và công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều bất cập. Do đó, việc Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Để đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, thúc đẩy thương mại miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững. Lồng ghép vào các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Cần hỗ trợ bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã - Ảnh 1.

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Quan tâm tới nguồn vốn để phát triển HTX, tổ hợp tác, đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, cho biết: Về quy định Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đây là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng giúp cho các hợp tác xã phát triển. Tuy nhiên, hồ sơ dự án luật không có bất kỳ một đánh giá nào về hoạt động của quỹ này đã được thành lập từ năm 2009 và đang được điều chỉnh hoạt động theo Nghị định số 45 của Chính phủ. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung báo cáo để Quốc hội có thêm thông tin xem xét, quyết định. 

Về nguyên tắc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, đại biểu đề nghị cần quy định khái quát việc này để Chính phủ có căn cứ quy định chứ không thể giao chung chung cho Chính phủ quy định, do quỹ này là quỹ có hoạt động tín dụng ủy thác chứ không như các quỹ ngoài ngân sách.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Kim Tuyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần. 

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm