Cần hỗ trợ ứng dụng nền tảng số, tín dụng, phát triển thương mại nông nghiệp miền núi

PV
10/11/2022 - 17:05
Cần hỗ trợ ứng dụng nền tảng số, tín dụng, phát triển thương mại nông nghiệp miền núi

Đại biểu Hà Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, thảo luận tại hội trường. Ảnh quochoi.vn

Để đẩy mạnh phát triển khu ản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn và chuỗi liên kết hàng hoá, đại biểu Quốc hội đề nghị ưu tiên hỗ trợ tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp tại dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường ngày 10/11 về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Hà Hồng Hạnh, đoàn ĐBQH Khánh Hoà, cho biết: qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để phát triển hợp tác xã còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của hợp tác xã, nhất là các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại Chương II đối với việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác còn chung chung, một số chính sách còn thiếu tính khả thi.

Đại biểu đề nghị đề nghị bổ sung thêm chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đó hỗ trợ về ứng dụng nền tảng số, xây dựng hệ thống các chính sách tín dụng đặc thù cho hợp tác xã nông nghiệp, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, khung pháp lý để tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất.

Đại biểu Hà Hồng Hạnh cho rằng, kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, bởi chính sự liên kết, hợp tác thông qua các mô hình liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác xã đã đẩy mạnh sự phát triển của các khu sản xuất tập trung vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất, nhất là phát triển thương mại vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần hỗ trợ ứng dụng nền tảng số, tín dụng, phát triển thương mại nông nghiệp miền núi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Về các chính sách hỗ trợ để phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, hầu hết các đại biểu đều thống nhất cần phải có những chính sách mạnh hơn, với những nguồn lực cần thiết để hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức kinh tế tập thể.

Trong đó, các ý kiến đề nghị chính sách cần tập trung hơn, không để dàn trải để phòng, chống trục lợi về chính sách. Đồng thời phải cụ thể hóa và có những chính sách riêng, đặc thù đối với một số lĩnh vực như nông nghiệp, chuyển đổi số, kinh tế chia sẻ…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Cơ quan soạn thảo tiếp thu và tập trung chú trọng vào một số các chính sách đang là điểm nghẽn, đang làm cản trở hoạt động kinh tế tập thể hiện nay như phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao năng lực, trình độ, khả năng tiếp cận vốn, đất đai, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số.

Đồng thời cũng làm rõ những tiêu chí để thực hiện các chính sách và hướng đến phát huy những giá trị tốt đẹp của mô hình kinh tế hợp tác và có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng cần hỗ trợ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm