pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cân nhắc mục tiêu về nội dung bình đẳng giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, thảo luận tại hội trường
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 gồm 7 mục tiêu tổng quát, 10 nội dung thành phần.
Trong đó, 7 mục tiêu tổng quát nhằm: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam; nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư, giới tính từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng;
Giai đoạn 2031 - 2035 là 134.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, xây dựng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến đáp ứng các thị trường nước ngoài; phát huy tính dân tộc, tính khoa học, tính đại chúng của văn hóa thông qua đầu tư để bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, với nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ đóng vai trò quan trọng; hội nhập quốc tế và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam...
Thẩm tra báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ nhất trí với sự cần thiết chủ trương đầu tư Chương trình và cho rằng việc xây dựng Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; Đồng thời thống nhất với đề xuất của Chính phủ về thời gian thực hiện Chương trình, từ năm 2025 đến hết năm 2035.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội thống nhất với các mục tiêu của Chương trình, tuy nhiên cần xem xét tính khả thi của 2 mục tiêu cụ thể đến năm 2030.
Thứ nhất mục tiêu số 5: Phấn đấu 100% các đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thứ hai, mục tiêu cụ thể số 6: 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa. Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị "Chính phủ tiếp tục cân nhắc về khả năng đạt được các mục tiêu này".
Chương trình có thời gian thực hiện trong 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035), chia làm các giai đoạn:
Năm 2025 tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác;
Giai đoạn 2026-2030 tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030;
Giai đoạn 2031-2035 tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, cho biết: Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2035 phấn đấu 90% địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng, làng xã.
Đại biểu Thanh Hương đề nghị ban soạn thảo cân nhắc lại tỷ lệ phấn đấu cho phù hợp. Bởi trong Quyết định 2238/QĐ-TTg (30/12/2021) của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, đang đặt mục tiêu cao hơn, là đến năm 2030 đạt 100% các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình vào hương ước, quy ước...
Vấn đề quan trọng là tập trung tổ chức thực hiện để công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bình đẳng giới, hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới thực sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực.
Về phát triển nguồn nhân lực văn hóa, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH Bình Định, cho biết: Cơ quan soạn thảo đã đồng ý bổ sung vào khoản 8.3 phát triển nguồn nhân lực văn hóa với nội dung "tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức tham gia cống hiến trong lĩnh vực văn hóa". Tuy nhiên, tại khoản 8.3 chỉ có 2 điểm 8.3.1 và 8.3.2 với nội dung là tổ chức các hội thi để phát triển tài năng của những người trẻ.
Theo đó, đại biểu Cảnh đề xuất tạo không gian để các chuyên gia, trí thức có năng lực về lĩnh vực văn hóa được phát huy. "Nhiều người nguyên là bộ trưởng, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, ĐBQH, tổng biên tập báo; các nhà giáo dục, các nhà sáng tác... với kinh nghiệm thực tiễn, họ đã và sẽ phản ánh về thực trạng văn hóa, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách về văn hóa, họ sẽ là những diễn giả tại các hội nghị, hội thảo về văn hóa, không chỉ là khách mời dự thính. Vì vậy, đại biểu Cảnh đề nghị bổ sung thêm nội dung "tạo điều kiện để các chuyên gia, trí thức tham gia, cống hiến trong lĩnh vực văn hóa" vào phần phát triển nguồn nhân lực văn hóa.