Đề xuất 122.250 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa

PV
03/06/2024 - 09:00
Đề xuất 122.250 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa

Hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh minh họa

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết. Để thực hiện Chương trình, cần tổng nguồn lực thực hiện là 122.250 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Chương trình có 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 09 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035 có mối quan hệ mật thiết với nhau.

Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng.

Đối tượng, phạm vi của Chương trình dự kiến bao gồm đầu tư xây dựng và hoạt động của các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia. Đề xuất này nhằm triển khai các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, quảng bả hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, 10 nội dung thành phần của Chương trình gồm:

Chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa năm 2021 về 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để phát triển văn hóa trong thời gian tới.

(1). Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp:

Trong đó tập trung Xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam, phát triển gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

(2). Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả

Xây dựng môi trường văn hoá từ cơ sở; tập trung đầu tư, khai thác, phát huy hiệu quả của các thiết chế văn hoá thể thao tại cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng văn hoá của nhân dân đồng thời phát triển hệ thống hạ tầng, thiết chế văn hóa nghệ thuật chất lượng cao, hướng đến đẳng cấp quốc tế.

Đề xuất 122.250 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu trước Quốc hội

(3). Nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa

Trong đó tập trung đa dạng hóa các hình thức, phương thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, thù địch, xấu độc.

(4). Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc

Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, bởi đây là cội rễ của sức mạnh mềm văn hóa quốc gia.

(5). Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật

Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, đầu tư có trọng điểm các công trình, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật trọng điểm tầm cỡ quốc gia, mang tính biểu tính biểu tượng của thời đại mới, hướng tới kỷ niệm những sự kiện lớn của đất nước từ nay đến năm 2030, 2035 và 2045.

(6). Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

Trong đó ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghiệp văn hóa và thị trường sản phẩm công nghiệp văn hóa có năng lực cạnh tranh cao.

(7). Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa

(8). Phát triển nguồn nhân lực văn hóa

(9). Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới

(10). Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình, truyền thông, tuyên truyền về Chương trình.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Để đảm bảo tập trung nguồn lực và thống nhất quản lý, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tập trung các nội dung về văn hóa thuộc dự án số 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào Chương trình này trong giai đoạn 2026-2030.

Trong tổng số 122.250 tỷ đồng để thực hiện chương trình, trong đó:

Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp tối thiểu là khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 50.000 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 27.000 tỷ đồng.

Vốn ngân sách địa phương: khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); Trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 18.000 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp: 12.250 tỷ đồng.

Vốn huy động hợp pháp khác: dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm